Đề án đó phải là kết quả của sự góp sức góp công của Bộ cộng với những nhà giáo dục hàng đầu trong nước, những tổ chức giáo dục uy tín, cả những đóng góp của các trí thức và nhân dân trong cả nước quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Việc đó phải làm ngay, nhưng phải làm chắc chắn và có lộ trình, chứ không hề là chuyện “tức hứng” và làm cho xong ngay hay làm cho lấy có.
Trong khi Bộ GDĐT chưa hề đưa ra được một đề án như vậy, thì việc công bố ngay kinh phí dự toán cho việc đổi mới chương trình vàsách giáo khoa sau năm 2015 là 70.000 tỷ đồng-một số tiền quá lớn trong hoàn cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn-là việc cần phải tỉnh táo suy nghĩ và cân nhắc.
Đương nhiên, khi “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” thì sẽ dẫn tới việc thay đổi chương trình-sách giáo khoa, nhưng việc thay đổi này phải đến sau khi Đề án cải cách toàn diện nền giáo dục nhận được sự đồng thuận cao của cả xã hội.
Giáo dục không là chuyện của riêng ai, mà là của cả xã hội. Mỗi gia đình có con hay cháu cắp sách tới trường đều là những thành viên tham gia vào hoạt động của cả một nền giáo dục. Nếu nền giáo dục ấy khỏe mạnh thì mỗi gia đình đều được hưởng lợi cũng như được tham gia một cách tự nguyện và hồ hởi vì sức sống của nó. Ngược lại, tất cả các thành viên xã hội đều phải chịu thiệt thòi, thậm chí cay đắng nếu nền giáo dục ấy èo uột hay yếu kém.
Giáo dục đã trở thành cỗ “máy cái” của cả xã hội, tham gia tích cực và ở vị trí dẫn đầu vào sự phát triển toàn diện một quốc gia, một xã hội. Giáo dục đóng một vai trò then chốt, vì nó định hướng cho sự phát triển của những thế hệ trẻ-rường cột của quốc gia, và nó góp phần gia cố nền tảng văn hóa, đưa văn hóa, kinh tế và khoa học kỹ thuật của Việt Nam hội nhập với thế giới.
Ai cũng thấy và ai cũng có thể phát biểu về giáo dục, nhưng làm thế nào để “đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục” thì không chỉ riêng ai làm được, kể cả khi “ai” đó là Bộ GDĐT.
Không thể chỉ thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, là coi như cả nền giáo dục đã thay đổi một cách “toàn diện và căn bản”. Bởi trong cả nền giáo dục, thì chương trình học hay SGK là phần thượng tầng, phần “nóc” chứ không phải phần nền móng.
Không thể nói trong dăm ba câu phần “nền móng” ấy của nền giáo dục, vì đó là cả một phức hợp. Nên có lẽ, Bộ GDĐT cần bắt tay ngay vào với sự trợ giúp của các nhà giáo dục hàng đầu trong nước, có tham khảo quốc tế, xây dựng Đề án Đổi mới giáo dục theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng, sau đó, mới tính đến việc thay đổi chương trình học và sách giáo khoa.
Thanh Thảo