Cô dâu 8 tuổi được chiếu tại Việt Nam vào đúng khung giờ vàng. Bộ phim truyền hình Ấn dài tới... gần 2.000 tập đã tạo ra một cơn sốt "khó tin" cho nhiều khán giả Việt Nam, tập trung nhiều nhất là phụ nữ trung niên.
Trong khi các bà, các cô say mê Cô dâu 8 tuổi thì những thành viên khác trong gia đình đang phải... "cắn răng" chịu đựng bộ phim truyền hình dài lê thê đến mức "đáng sợ" này.
Bộ phim đang gây "ám ảnh" nhất màn ảnh Việt thời gian gần đây.
Sau khi có thông tin về việc Cô dâu 8 tuổi sẽ kéo dài đến 1.927 tập và sẽ còn tiếp tục được sản xuất, nhiều diễn đàn đã "mọc lên" và các cư dân mạng thi nhau trút bỏ nỗi niềm về việc bị bộ phim này... "hành hạ" như thế nào. Phần lớn các bình luận than phiền đều xoay quanh việc bộ phim quá dài với những tình tiết "siêu" chậm chạp.
Một nữ khán giả đã hài hước chia sẻ về độ dài đáng kinh ngạc của Cô dâu 8 tuổi: "Lúc mình mang bầu thì trong phim cũng có đứa nó mang bầu. Đến lúc mình đẻ được 2 tháng rồi mà nó vẫn chưa đẻ".
Thậm chí, một khán giả sau khi theo dõi phim còn viết được hẳn lại... công thức dựng phim: “Trích đoạn nửa tập phim: Mẹ Chồng: "Anandi con đã về rồi", quay chậm mặt từng nhân vật (cỡ 6 7 người gì đấy). Annandi: lắc lắc cái đầu khóc lóc, quay chậm mặt từng nhân vật, Mẹ chồng khóc, quay chậm mặt từng nhân vật. Anandi khóc, quay chậm mặt từng nhân vật. Mẹ chồng: Thôi vào nhà đi con. Anandi: Vâng. Bỗng dưng có tiếng hét: Tất cả ở yên đấy!!!!, quay chậm mặt từng nhân vật. Bà chồng từ trên cầu thang từ từ bước xuống, quay chậm mặt từng nhân vật. Quay đến mặt bà chồng vắt cái khăn lên cổ, quay chậm mặt từng nhân vật. Quay đến mặt Anandi, quay đến mặt bà chồng”...
Phim kéo dài từ khi nữ chính 8 tuổi đến lúc đã có con mà vẫn... chưa hết.
Chính cách làm phim kéo dài và chậm chạp của Cô dâu 8 tuổi đã khiến nhiều khán giả trẻ không thể kiên nhẫn. Nhiều người đã bày tỏ nỗi bức xúc của mình về bộ phim:
"Quá bức xúc với Cô dâu 8 tuổi, không thể chịu đựng được bộ phim này. Kinh hoàng nhất là có cái tập nào mà nhận vật phụ chết ấy, từ đầu đến cuối tập quay mỗi cảnh vợ khóc, rồi lại lia sang mặt chồng nằm trong quan tài, rồi lại quay sang cảnh vợ lèm bèm sướt mướt "anh ơi đừng đi", xong lại quay sang mặt chồng trong quan tài, rồi lại quay vợ lèm bèm "em nhớ anh", xong lại lia tiếp sang mặt chồng nằm trong quan tài, quay qua quay lại thế là hết 1 tập".
Một khán giả khác viết: Có mỗi việc sai đứa con sang nhà hàng xóm mà hết 2 tập nó chưa chịu sang. Đi ngang qua nhau nhìn thấy nhau hết nửa tập. Người chết 5 tập chưa chôn. Có cái đám tang khóc lóc hết 5 ngày trời. Nói một câu xong cả nhà nhìn nhau hết tập. Chàng dỗi nàng, vùng vẫy sang đường thì bị xe đâm. Bắt đầu hành trình Tìm về dấu yêu, mất hết 5 tập. Có mỗi cảnh ăn cơm hết 3 tập. Một đoạn cãi nhau kéo dài 30 phút. Phim dài 1 tiếng thì slow motion hết nửa tiếng, lườm nhau nửa tiếng, lườm hết đứa này đến đứa khác.
Mà cũng không hiểu phim kiểu gì… Nhân vật chính cũng khóc. Phụ cũng khóc. Chửi nhau là khóc. Cãi nhau thì cũng nhoè vì nước mắt. Thằng oan cũng khóc. Mà thằng vu oan thấy tội cho thằng bị oan cũng lăn ra khóc. Trẻ con, người lớn, trung niên, ông bà già trong phim đều ít nhất 1 lần phải khóc. Cả nhà vừa đón được cô dâu về nhà câu trước câu sau là khóc. Đến cả ngồi ăn cơm cũng chuẩn bị mắt trước mắt sau mà cùng lăn ra khóc. Rồi đến nhiều khi trong phim cả nhà vừa ngưng khóc, không hiểu lòi đâu ra đứa osin lao vào khóc hôi, thế là cả nhà được thể lại lăn ra khóc. Ôi thần linh ơi…"
Ôí giời, chưa kể đến cái gì cũng chi tiết quá đáng ý. Có mỗi cái đám ma cũng kéo dài ba tập, thế mà xác không thối. Bị chửa, ngã cầu thang gần hết 1 tập mới đưa đi viện. Chuyện gì phức tạp tí là phải diễn biến đến 5-6 tập".
Thậm chí, khán giả này có góp ý cho truyền hình: "Em thấy nên chiếu một lúc liền 5 tập phim bắt đầu từ 11h đêm cho đến 4h sáng để cho nhanh hết đi. Với cả lúc đấy mọi người đi ngủ rồi, không ai xem cả. Như thế là quá hợp lý luôn còn gì nữa?".
Cô dâu 8 tuổi còn trở thành nguyên nhân của các cuộc chiến trong gia đình, khi mâu thuẫn bắt đầu từ việc... tranh giành TV. Một thành viên trên diễn đàn các bà mẹ chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình:"Chồng mình và mẹ chồng cãi nhau vì phim này, vì cứ đến giờ cơm là mẹ mình ôm bát ra phòng khách để vừa ăn vừa xem, có hôm chồng mình bực quá, thì bà ôm bát lên tầng 2, bật ti vi phòng bà lên rồi lại vừa ăn vừa xem. Ăn cơm thì không ai nói với ai câu nào, vì mẹ chồng còn bận xem phim. Bây giờ chiếu đến tập bao nhiêu rồi các mẹ ơi? Tối về bảo chồng phim này gần 2.000 tập chắc ông ý đập tivi mất. Ôi thần linh ơi".
Thậm chí, dù đã tìm mọi cách để...khóa/xóa kênh cũng không thể ngăn các bà, các mẹ tìm đến Cô dâu 8 tuổi: "Mẹ tui mù công nghệ, tui xóa trộm cái kênh chiếu phim này đi rồi, tôi đi làm về tưởng đc yên thân, ai ngờ bà thuê hẳn 1 người sửa tivi đến dò lại kênh và họ lấy 500 ngàn cho 10 phút làm ngoài giờ hành chính. Nạn nhân phải trả tiền là tui".
Hầu hết tất cả những "nạn nhân" của Cô dâu 8 tuổi đều là khán giả trẻ. Và không thể phủ nhận bộ phim truyền hình Ấn Độ này đã tạo được một sức hút rất lớn từ phía những khán giả lớn tuổi hơn. Có ý kiến cho rằng, việc phim kéo dài với những tình tiết rất chậm đã giúp các bà, các cô dễ bắt được mạch phim. Đó cũng chính là lí do vì sao Cô dâu 8 tuổi kéo dài đến
1.927 tập phim mà vẫn nhận được sự ủng hộ của khán giả Việt.