Cùng với đó, lộ trình đàm phán TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) đã đến giai đoạn cuối, nhiều luật chơi mới quy mô toàn cầu bắt đầu có hiệu lực… Tuy vậy, tại Hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN và TPP” tổ chức ở TP.HCM sáng 22.6, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong nước vẫn còn rất mơ hồ về hội nhập.
Ngành chăn nuôi “nhập khẩu”
Sau một thời gian dài đàm phán, các chuyên gia dự đoán, có thể TPP sẽ được ký kết vào đầu năm 2016 tới đây. Là một trong những nước thành viên của TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hội nhập sâu rộng với quốc tế, trong đó có Mỹ và Nhật, là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
TS Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, năm 2014, Việt Nam nhập khẩu đến 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hơn 4,8 tỷ USD. Không chỉ vậy, đến 80% các loại vaccine được phép lưu hành tại Việt Nam hiện nay có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.
Còn theo TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi, gần như 100% giống lợn, bò, gà vịt… trong nước hiện nay đều phải nhập khẩu. Tuy vậy, năng suất sinh sản của các giống gia súc, gia cầm ở Việt Nam, kể cả giống ngoại nhập đang ở mức rất thấp. Ví dụ như đối với giống lợn, tỷ lệ hao hụt lợn con từ lúc sơ sinh đến lúc cai sữa là 20 – 25%.
“Điều đáng nói là phần lớn các doanh nghiệp trong nước chỉ làm việc nhập khẩu con giống bố mẹ về rồi nhân giống ra, việc khai thác tiềm năng di truyền của số con giống nhập khẩu này vẫn chưa hiệu quả” - ông Sơn nhấn mạnh.
Điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho thấy, 1kg bò Úc nhập khẩu về Việt Nam để giết mổ, sau khi trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, lãi vay ngân hàng… giá thành cũng chỉ từ 170.000 – 180.000 đồng. Trong khi đó, bò thịt nuôi tại Việt Nam giá thành không thấp hơn 200.000 đồng/kg, tuy nhiên chất lượng lại không bằng bò Úc.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Cùng với việc tiến tới ký kết TPP, tính đến nay, đã có 9/14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết có hiện lực thực hiện. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, trừ một số doanh nghiệp lớn nắm bắt được thông tin và đang lo cách đối phó, phần lớn doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong nước vẫn còn rất thờ ơ với hội nhập.
Điều tra của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội mới đây cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thiếu hẳn các kiến thức để hội nhập, 80% số doanh nghiệp được hỏi đều rất thờ ơ, không hề quan tâm tới hội nhập.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng vừa thực hiện khảo sát trên 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả cho thấy, có đến 60% các doanh nghiệp Việt không biết gì về những nội dung liên quan tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Vấn đề cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp và trang trại do đó vẫn đang rất cấp bách.
GS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, khi bàn tới hội nhập, nghĩa là phải bàn tới thị trường và vấn đề toàn cầu hóa thị trường. Trong khi hiện nay, chăn nuôi Việt Nam vẫn còn quẩn quanh ao làng, với phương châm tự cung tự cấp.
“Do đó, để đào tạo cho các trang trại chăn nuôi, phải thực hành từng khâu một, việc đào tạo này không khác đào tạo lái xe, nhất định phải có thực hành chứ không chỉ là lý thuyết” - ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Thành Nhơn - chủ một trang trại chăn nuôi quy mô 250 lợn nái đẻ ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai thì cho rằng, nông dân rất muốn biết rõ về hội nhập, về những “cái mất” mà họ có nguy cơ phải đối mặt khi TPP được ký kết. Thế nhưng, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, ông Nhơn chỉ nghe các chuyên gia “kể tội” người nông dân, rồi nêu các thách thức này nọ nhưng không tìm ra được các giải pháp để giải quyết dứt điểm.
“Ngay cả như những vấn đề quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp để nông dân không bị chèn ép, dẫn tới giá thành cao, hay như việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cận “đát” về rồi bán lại giá rẻ… thì không thấy cơ quan chức năng nào nhắc tới. Mà chính những vấn đề này góp phần đẩy ngành chăn nuôi vào chỗ khó phát triển” - ông Nhơn bức xúc.