Nội dung gần gũi, quen thuộc
Lấy bối cảnh xã hội Ấn Độ đương đại, phim Cô dâu 8 tuổi tạo được sự gần gũi với khán giả Việt Nam, đặc biệt là các bà, các mẹ. Phim xoay quanh những vấn đề rất quen thuộc trong cuộc sống như mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu, những xung đột trong gia đình.
"Cô dâu 8 tuổi" đang khiến nhiều bà nội trợ Việt Nam mê mấn.
Hơn nữa, dù Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm khác biệt trong lối sống, văn hóa, phong tục nhưng cả hai đất nước đều có nhiều đặc điểm xã hội tương đồng, không thể không kể đến là sự bất bình đẳng nam nữ và nhiều hệ lụy xã hội khác. Chính điều đó đã khiến một bộ phim từ tận phía Tây Á xa xôi nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả Việt.
Các nhà biên kịch, đạo diễn của Cô dâu 8 tuổi cũng có những thủ pháp riêng để kéo dài bộ phim mà vẫn giữ được sức hấp dẫn, không khiến khán giả cảm thấy chán nản.
Chuyện phim xoay quanh cô bé Anandi bị buộc phải kết hôn khi vừa mới 8 tuổi. Từ đó, Anandi bị vướng vào vòng xoáy với những mẫu thuẫn trong gia đình chồng, những chiêu trò hãm hại, lừa dối nhau. Các tình tiết, diễn biến qua từng tập phim đều khiến khán giả, đặc biệt là phụ nữ lứa tuổi trung niên bị cuốn hút.
Được phát sóng vào giờ vàng
Cô dâu 8 tuổi có lượng khán giả nhiều một phần là do được phát sóng vào khung giờ 20h tối hàng ngày. Vào thời điểm này, hầu hết các khán giả của phim có thời gian dành xem.
Thêm một lý do nữa để Cô dâu 8 tuổi chiếm trọn trái tim các bà nội trợ là hầu hết khán giả của phim đều nằm trong lứa tuổi trung niên. Ở lứa tuổi này, khán giả không có nhiều lựa chọn giải trí khác như internet, điện thoại hay máy tính. Tivi trở thành phương tiện giải trí gần như là duy nhất cho các bà, các mẹ và điều đó đã tạo điều kiện để Cô dâu 8 tuổi giành được lợi thế.
Mạch phim chậm phù hợp với khán giả trung niên
Trong khi khán giả trẻ “ghét cay ghét đắng” cách làm phim lê thê của Cô dâu 8 tuổi thì nó lại chính là lí do để các khán giả trung niên lựa chọn bộ phim này chứ không phải là một loạt các phim Hàn, Việt, Mỹ... khác trên truyền hình.
Vì ở Cô dâu 8 tuổi, dù người xem có lỡ bận rộn mà để lỡ một, thậm chí là cả vài ba tập phim thì họ vẫn có thể dễ dàng nắm bắt được các tình tiết trong những tập tiếp theo. Với phim này, một tình tiết như đám cưới có thể kéo dài đến 5-7 tập phim.
Thêm nữa, trong một tập phim Cô dâu 8 tuổi, cách quay chậm rãi, cận mặt nhân vật, diễn tả cảm xúc, nội tâm của nhân vật gần như đều được các nhà làm phim lạm dụng. Điều này hẳn sẽ khiến những khán giả xem phim tập trung cảm thấy bực mình. Nhưng đối những khán giả lớn tuổi hơn, đó lại là một “ưu điểm” của phim. Vì điều đó sẽ giúp các khán giả vừa xem phim, vẫn có thể làm các công việc lặt vặt khác trong gia đình mà không lo lắng sẽ bỏ sót bất cứ tình tiết gay cấn nào cả.
Dù đã tạo ra một làn sóng... phản đối trên internet, thì không thể phủ nhận được Cô dâu 8 tuổi vẫn có sức hút và khán giả riêng. Với những lí do trên, không có gì khó hiểu khi bộ phim Ấn kéo dài tới cả nghìn tập phim này vẫn có lượng khán giả của riêng mình.