Giúp dân nghèo kiếm cơm
Tách khỏi Quốc lộ 1A, phải len lỏi qua mấy con hẻm quanh co mới đến được nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa và chị Đặng Thị Xuân Lan (ở tổ dân phố 13, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Trong căn nhà tuềnh toàng nằm sát chân sóng ven biển Nam Ô, anh Hòa đang chuẩn bị lưới cho chuyến ra biển chiều nay bên cạnh 4 đứa con quấn quýt lấy bố.
Bộ đội Quân khu 5 trang bị thuyền thúng và lưới mới giúp ngư dân thoát nghèo. |
Chị Lan mấy hôm nay ngoài phụ giúp chồng việc biển giã đã tranh thủ buổi trưa đi làm phụ bếp cho một cơ sở sản xuất, mỗi tháng kiếm thêm hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Hòa, thu nhập gần đây của gia đình tăng thêm đáng kể là nhờ chiếc thuyền thúng mới và 6 tay lưới ba.
Đây là số phương tiện gia đình anh được Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng hỗ trợ. So với trước đây, bây giờ vợ chồng anh có thể ra xa bờ hơn từ 1,5 – 2km, thời gian lao động trên biển nhiều hơn, đánh bắt được một số loại cá lớn hơn như cá nhồng, cá chắt… Bình quân mỗi ngày tăng thêm thu nhập 50.000 – 80.000 đồng.
Cách nhà anh Hòa mấy con hẻm, chị Huỳnh Thị Thêm chỉ có 1 mẹ một con. Chị đau ốm liên miên, mặc dù được địa phương quan tâm giúp đỡ, trợ cấp, nhưng cuộc sống khó tránh khỏi rơi dần vào bế tắc. Thế nhưng bây giờ trên gương mặt chị đã nở những nụ cười tươi.
Chị bảo, nhờ các chú bộ đội thành phố giúp cho chiếc xe bán nước mía, mùa nắng mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn, có đồng vào đồng ra lại thêm tâm lý vui vẻ, thoải mái hơn nên khỏe người ra. Cùng với nụ cười, đôi mắt chị rưng rưng khi nói lời cảm ơn các chú bộ đội.
Tạo nhiều “cú hích”
Trong tổng số hàng trăm hộ dân cần được giảm nghèo ở phường Hòa Hiệp Bắc, lực lượng vũ trang Đà Nẵng đã nhận giúp 13 hộ về phương tiện làm nghề biển, buôn bán nhỏ và chăn nuôi. Các đơn vị của Bộ Chỉ huy đã phối hợp với địa phương trực tiếp khảo sát nắm tình hình đời sống khó khăn và nhu cầu, nguyện vọng của bà con để hỗ trợ giống, vốn, phương tiện lao động sản xuất phù hợp, tạo điều kiện ban đầu để họ làm ăn, mở ra cơ hội dần vươn lên thoát nghèo.
Các gia đình nông dân được nhận giúp thoát nghèo chủ yếu đều có đông con nhỏ, làm ruộng, rẫy nhưng thiếu kiến thức sản xuất và nhân lực lao động.
Phân đội 14 giúp các gia đình bà Đinh Thị Seng, ông Đinh Lơch (làng Bốt, xã Song An, An Khê, Gia Lai) giống heo, công làm chuồng nuôi heo, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi… Phân đội 16 cử bộ đội phối hợp cùng địa phương giúp 2 hộ ông Đinh Jơn và Đinh Xvit (làng Jro Dơng I, xã Giang Bắc, huyện Đăk Pơ, Gia Lai) mở rộng diện tích canh tác, đào giếng, mương lấy nước tưới, cải tạo đất chuyển từ trồng mía sang trồng ớt, hỗ trợ giống, vốn…
Phân đội 15 hỗ trợ hộ ông Phan Văn Vinh (thôn Phước Bình, xã Cử An, An Khê) 90 công lao động làm cỏ, thu hoạch mía, trồng ớt… Phân đội 17 giúp ông Đinh Quân, Đinh Hương (làng Pơ nang, xã Tú An, An Khê) 22kg giống bắp, công lao động và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng.
Phân đội 18 giúp bà Nguyễn Thị Sương (thôn An Hòa, Phú An, Đăk Pơ) nhân công sửa quán để buôn bán. Nhiều hộ khác ở Đăk Pơ được các Phân đội 4, 5, 6, 7 tặng heo giống, hỗ trợ công làm vườn, sửa nhà…
Tùy mỗi nơi, các đơn vị tặng thêm cho các gia đình gạo, thực phẩm, tiền mặt và những vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt, học tập… nhưng trọng tâm vẫn là giúp đỡ về cách thức, kiến thức, kỹ thuật, chuyển đổi giống sản xuất, chăn nuôi và hỗ trợ công lao động để tạo “cú hích” cho các hộ đó tự vươn lên làm ăn đạt hiệu quả một cách vững chắc, mở ra cơ hội thoát nghèo.
Nguyễn Viết Phúc