Dân Việt

Cần thừa nhận khiếu nại đông người

16/11/2010 19:01 GMT+7
(Dân Việt) - “Dù là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhưng khiếu nại đông người là một thực trạng, phải được quy định trong dự thảo...” – đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Nhã phát biểu tại cuộc thảo luận về Luật Khiếu nại tại hội trường chiều 15-11.
img
ĐB Nguyễn Đăng Trừng phát biểu tại hội trường

Thực tế không thể né tránh

ĐB Vũ Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho biết, năm 2008 toàn quốc có hơn 1.000 vụ khiếu kiện đông người, năm 2009 con số này tăng lên hơn 2.000. Vì vậy, khiếu kiện đông người là một thực tế không thể né tránh; nếu không đề cập sẽ không có sự đổi mới so với Luật Khiếu nại tố cáo hiện hành.

ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) cũng cho rằng: “Khiếu nại đông người gây mất trật tự, các thế lực thù địch lợi dụng để kích động hoặc tinh vi, hoặc trắng trợn. Nếu không có cơ sở pháp lý các cơ quan cấp dưới khó xử lý, có lúc bùng phát”. ĐB Nguyễn Đình Nhã (Bà Rịa – Vũng Tàu) nói thêm: “Dù là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhưng đây là một thực trạng xã hội. Khiếu nại đông người phải được quy định trong dự thảo”.

Việc xác định phạm vi điều chỉnh của dự luật cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nhiều ĐB cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định giải quyết khiếu nại đối với hành vi, quyết định hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước là bó hẹp, cần mở rộng ra đối với các hành vi, quyết định của các cá nhân, tổ chức xã hội khác.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng cho rằng, dự thảo quy định như vậy là hợp lý vì các khiếu nại trong các lĩnh vực khác đã được giải quyết trong các dự luật khác. Chẳng hạn, khi xảy ra khiếu nại của hiệu trưởng một trường đại học thì căn cứ xử lý theo Luật Viên chức, hoặc Luật Lao động… Và khi dự thảo luật chỉ quy định giải quyết các khiếu nại trong các cơ quan quản lý nhà nước thì nên đổi tên là Luật Khiếu nại hành chính.

Thủ trưởng không được trốn tránh tiếp dân

Thực trạng đơn thư khiếu nại của dân chạy lòng vòng trong các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn cũng được các ĐB đề cập nhiều. ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng: Đơn thư không được giải quyết triệt để do một số bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm.

ĐB Lê Dũng (Tiền Giang): Nhiều người đứng đầu các cấp chính quyền không thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, uỷ quyền cho cấp dưới. Trong khi đó, tâm lý người dân rất muốn gặp người có trách nhiệm để giải quyết vấn đề. Chủ tịch UBND các cấp phải đứng ra tiếp dân trực tiếp chứ không được uỷ quyền; trường hợp đặc biệt được uỷ quyền phải có quy định cụ thể.

Nhưng khi phát hiện cán bộ thiếu trách nhiệm lại giao cho thủ trưởng cơ quan đó xử lý. Vì là ngang cấp, cùng cơ quan nên việc xử lý nương nhẹ. Vì vậy, khi cán bộ có biểu hiện bao che, thiếu trách nhiệm phải được một cơ quan cấp cao hơn xử lý.

Vấn đề tiếp công dân, một khâu quan trọng trong xử lý đơn thư được nhiều ĐB cho ý kiến. Các ĐB cho rằng, dự thảo cần chú ý đến việc củng cố bộ máy và quy trình hơn nữa trong việc tiếp nhận đơn thư của công dân. Trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại phải có cuộc tiếp xúc với người khiếu nại để đảm bảo tính minh bạch và khả thi của quyết định.