Theo cáo trạng của VKSND Tối cao ban hành ngày 5.5.2015, sau khi được trả tự do, Thạch Sô Phách (SN 1987) và 6 thanh niên bị oan đã làm đơn tố giác rằng họ đã bị các cán bộ, điều tra viên (ĐTV) dùng nhục hình nên phải khai nhận giết ông Lý Văn Dũng. Việc tố giác này một phần bắt nguồn từ một lá thư.
Biết đích danh người đánh đập(!?)
Theo ông Thạch Suôl (cha của Phách), sau khi Phách được trả tự do, vợ ông là bà Thạch Thị Ngọc nhận được thư của một người lạ hướng dẫn làm đơn tố cáo những cán bộ đã đánh đập Phách. Dấu bưu điện trên thư là ngày 12.5.2014, người viết thư tên L.B, ngụ khóm 3, phường 3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Thư viết: “Theo tôi được biết thì con bà bị bắt oan và bị đánh đập dã man… Ngoài con bà còn có nhiều người khác bị bắt oan chung như Trần Văn Đỡ, Trần Hol, Thạch Mươl, Khâu Sóc… Đến nay, vụ án giết người đã được làm rõ mà vẫn chưa trả lại sự trong sạch, minh oan cho con bà và những người bị bắt chung… Vì vậy, tôi gợi ý giúp gia đình bà một số việc như sau để đòi lại công bằng cho con bà và những người bị bắt chung, như:
1. Kêu anh Phách đi đến nhà của từng người bị bắt oan chung vận động họ cùng gia đình làm đơn tố cáo những người đã đánh đập để trả lại sự công bằng và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần và thể chất, theo ước tính thì mỗi người bị oan sẽ được bồi thường khoảng 200 triệu đồng. Theo tôi được biết, người đánh anh Phách và những người bị bắt chung là đại úy Triệu Tuấn Hưng (đội phó hình sự) và thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (đội trưởng hình sự). Nội dung đơn tố cáo phải nêu chi tiết sự việc bị đánh đập và có người canh gác trông thấy…
2. Sau khi làm đơn xong, đi gửi giám đốc Công an tỉnh, VKSND Tối cao… để cầu cứu. Khi được mời lên làm việc thì nói bị 2 người trên đánh ép nhận tội và yêu cầu kiểm sát viên cho nhận dạng người đánh đập…".
Nhiều cán bộ tham gia đánh người
Qua điều tra từ đơn tố cáo của 7 người bị bắt oan, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định 2 bị can nguyên là ĐTV Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân đã dùng nhục hình đối với anh Trần Văn Đỡ vào đêm 13.7.2013. Ngoài ra, vào chiều 14.7.2013 và sáng 20.7.2013, bị can Hưng còn dùng nhục hình đối với anh Phách.
Cáo trạng nêu rõ mặc dù Hưng và Quân không khai nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai của Phách, Đỡ cùng lời khai của 2 nhân chứng là Nguyễn Văn Lượng và Hồ Trung Hiếu (cán bộ công an được giao nhiệm vụ canh giữ anh Đỡ) chứng kiến Quân và Hưng dùng nhục hình đối với anh Đỡ nên có đủ căn cứ kết luận 2 bị can trên có hành vi dùng nhục hình.
Ngoài ra, anh Đỡ còn khai một cán bộ công an tên Toản (Lê Thanh Toản, đội phó của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng - PV) dùng dùi cui đánh và còng tay anh lên khung cửa.
Trần Hol khai khi bị giữ tại Công an huyện Trần Đề thì bị Huy (Trần Hoàng Huy, SN 1982, nguyên Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Trần Đề - PV) và một số cán bộ khác đánh. Khi bị di lý về Công an tỉnh Sóc Trăng, Hol bị ông Nguyễn Hoàng Phú (nguyên Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội) và một số cán bộ công an khác đánh chảy máu đầu.
Thạch Sô Phách còn khai trong thời gian bị giữ tại Công an huyện Trần Đề, anh bị các cán bộ công an tên Hiếu (Hồ Trung Hiếu - nhân chứng khai nhận đã chứng kiến bị can Hưng đánh anh Đỡ), Huy và Hướng (Nguyễn Văn Hướng, cán bộ điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng - PV) đánh vào đầu, mặt, tai…
Đừng để oan chồng oan
Ngày 4.6.2014, Công an tỉnh Sóc Trăng có báo cáo kết quả xử lý kỷ luật đối với 24 cán bộ sai phạm trong hoạt động điều tra vụ án giết ông Lý Văn Dũng. Trong đó, có 3 ĐTV được phân công tham gia vụ án là Lâm Văn Kết, Tô Huy Thông và Quân mà không có Triệu Tuấn Hưng. Vì thế, luật sư bào chữa cho bị can Hưng là ông Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng đây là chứng cứ cho thấy thân chủ của ông không liên quan đến vụ án.
“Hành vi đánh người của bị can Hưng (nếu có) thì liệu có đủ yếu tố cấu thành tội “Dùng nhục hình” hay không hay một tội danh nào khác. Theo tôi, cần điều tra làm rõ tư cách tố tụng của bị can Hưng trong vụ án để tránh oan lại chồng lên oan” - luật sư Quynh đề nghị trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi TAND tỉnh Sóc Trăng trước khi tòa này trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trong đơn cầu cứu khẩn cấp gửi báo chí và các ngành chức năng, ông Triệu Minh Cường (cha của bị can Hưng) cũng đặt ra nghi vấn tại sao người viết thư khuyên anh Phách tố cáo lại biết rõ họ, tên, năm sinh và địa chỉ của mẹ anh Phách. Hơn nữa, người này còn nêu đích danh họ, tên, chức vụ của Quân, Hưng và kêu gia đình của Phách “khi lên làm việc thì nói bị 2 người trên đánh ép nhận tội…” và “nội dung đơn tố cáo phải nêu chi tiết sự việc bị đánh và có người canh gác trông thấy (!?)”.
"Người tự xưng là bạn đọc sao lại biết quá rõ sự việc đã diễn ra trong cơ quan điều tra. Hơn nữa, trong lá thư đề cập “người canh gác trông thấy” là ai?" - ông Cường thắc mắc. Cũng theo ông Cường, vì sao Hồ Trung Hiếu bị Phách khai nhận có tham gia đánh nhưng lại được cơ quan điều tra cho làm nhân chứng chứng kiến bị can Hưng dùng nhục hình đối với anh Đỡ?