“Con ước được ba mẹ tin và hiểu con!”
M. là một cô bé nhạy cảm có đôi mắt buồn, em gây ấn tượng với cô giáo trong khoá học hè bởi em tham gia các hoạt động rất lặng lẽ, thi thoảng ánh mắt trầm ngâm.
Trong phần chia sẻ nội dung “Điều gì em cảm thấy ba mẹ chưa hiểu em?” M. chỉ ghi vỏn vẹn một câu: “Con ước được ba mẹ tin con và hiểu con!”
Phải rất khó khăn H., mười tuổi, mới chia sẻ nỗi niềm mà em đã mang trong lòng hơn hai năm qua. H. có cậu em trai tám tuổi, hai chị em có sự hiểu lầm, chuyện trở nên căng thẳng khi ba mẹ cho rằng tất cả lỗi là do H., dù em có cố gắng thanh minh và giải thích nhưng ba mẹ vẫn không nghe.
Một thời gian sau đó, qua bạn bè của em trai, ba mẹ mới có thông tin rõ ràng về sự việc. H. rất mong ba mẹ sẽ nói với em rằng “ba mẹ đã hiểu lầm con, con đừng buồn ba mẹ nha!” hay đại loại như một lời xin lỗi. Nhưng vẫn là một sự im lặng.
Kể từ đó trong H. luôn ngờ vực về tình yêu thương của ba mẹ, em tự tạo ra một khoảng cách không gì có thể san lấp được. Với ba mẹ, H. là một cô gái ngang bướng, cứng đầu, bất trị nhưng bên trong em lại là một tâm hồn yếu đuối, bị tổn thương mà em không thể chia sẻ được.
Về phía phụ huynh có rất nhiều cha mẹ đau khổ vật vã vì con mình trái tính trái nết, không hiểu được tấm lòng của họ. Bản thân họ cũng thất vọng khi con mình lạnh lùng và xa cách với mình. Bà Q. rất buồn vì có một đứa con trai duy nhất nhưng lúc nào cũng xung khắc với mẹ.Họ không thể ngồi với nhau được năm phút huống gì là trò chuyện, chia sẻ. Tâm sự với chuyên gia tâm lý, hai hàng nước mắt rơi dài, bà thổn thức vì có con mà cũng như không có!
Răn mình trước, dạy con sau
Trong một số trục trặc quan hệ cha mẹ và con cái, việc làm mất lòng tin ở con cái đã làm mất đi sự cân bằng tâm lý trong quan hệ gia đình. Sự không nhất quán, hài hoà về nhận thức, tình cảm và hành vi giữa ba mẹ và con cái làm cho đứa con trở nên bất ổn, tinh thần không ổn định và có xu hướng xa lánh hoặc xung đột gia đình.
Cha mẹ luôn nói yêu con, tin con nhưng lời nói, hành vi cư xử mâu thuẫn với cảm xúc. Phụ huynh yêu cầu cao ở con cái về các chuẩn mực nhưng lại cư xử không công bằng và chính họ vi phạm. Và khi họ không ý thức được, không xử lý thoả đáng sẽ làm cho mâu thuẫn càng thêm sâu sắc.
H. có lý khi đưa ra lập luận: “Ngay từ nhỏ ba mẹ rèn con vào khuôn mẫu chặt chẽ, ba mẹ luôn kiểm soát, quản lý và yêu cầu con phải luôn làm đúng, vậy mà khi ba mẹ nghĩ oan cho con, xúc phạm con, sao ba mẹ không nhận ra lỗi của mình, tại sao lại bỏ qua và xem như không có chuyện gì xảy ra?”
Còn với Q., cậu bé xa cách với mẹ vì nghĩ rằng mẹ nói một đàng làm một nẻo, do đó Q. thất vọng và né tránh mẹ. Phải mất một thời gian dài chuyên gia tâm lý mới giúp hai mẹ con hiểu nhau và nối kết tình cảm gia đình.
Đừng dạy con những gì quá xa vời
Rất ít phụ huynh quan tâm đến việc lắng nghe ý kiến, tôn trọng, hiểu và nắm bắt suy nghĩ, thân cận và đồng điệu về tâm hồn cùng con. Khi cha mẹ làm tốt vai trò này con cái mới thật sự cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.
Đừng dạy con những gì quá xa vời. Nhận ra lỗi lầm của mình, nói lời xin lỗi với con là những bài học quý giá để thúc đẩy sự phát triển tâm lý lành mạnh cho con. Trẻ được nuôi dưỡng và trải nghiệm những cảm xúc tích cực (sự tôn trọng, tin tưởng, nhất quán về lời nói và hành vi…) ngay trong chính gia đình mình sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương; nhu cầu tâm lý được chấp nhận là chính mình trong mối quan hệ với gia đình, sẽ giúp cho trẻ trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Mỗi đứa trẻ lớn lên với những dấu ấn tốt về gia đình, có niềm tự hào về ba mẹ thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống. Biết đặt niềm tin ở con cái, biết cư xử tôn trọng con, dám nhận ra sai lầm của mình trước con sẽ không mất đi uy quyền của ba mẹ mà còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao giá trị của cha mẹ trong lòng con.