Chưa hết bàng hoàng trước vụ “nổ” của cặp “đại gia Chúa chổm” Nguyễn Thị Cúc - Nguyễn Xuân Hùng (Phú Xuyên, Hà Nội) thì vụ vỡ nợ khủng mới đây nhất của cặp vợ chồng Phạm Thị Chinh (SN 1975) và Nguyễn Ngọc Chúc (SN 1969, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) như một cơn lốc làm chao đảo hoạt động “tín dụng đen” vốn đã tồn tại rất lâu.
Có một mẫu số chung trong việc dùng các chiêu bài của hầu hết các con nợ khủng này là đánh bóng hình ảnh, phô trương tiền bạc, vay với lãi suất cao làm nhiều người choáng ngợp. Chính các hào nhoáng bên ngoài đó khiến nhiều người mất hẳn lý trí để trả lời câu hỏi: Tại sao họ bỗng dưng giàu như vậy?
Chúa chổm ăn chơi khét tiếng Phú Xuyên
Những ngày này, thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên như một “chảo lửa” ngày một “nóng” lên dữ dội. Không “nóng” sao được khi biết bao gia đình đang có nguy cơ nhà tan cửa nát bởi con nợ chung của họ là Nguyễn Thị Cúc đã cao chạy xa bay.
Đối tượng Nguyễn Thị Cúc |
Những hoạt động giao dịch trầm lắng, tâm lý của người dân xáo trộn nặng nề là điều rất dễ nhận thấy ở thị trấn Phú Minh những ngày gần đây. Rất nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý đã đóng cửa, do cạn hàng. Nguyên nhân là các chủ cửa hàng này phải bán vàng trả số nợ mình vay của người khác trước khi mang đến cho Cúc vay.
Theo những người dân sống tại thị trấn Phú Minh, vợ chồng Cúc trước kia không có nghề nghiệp gì ổn định. Nguyễn Xuân Hùng là lái xe chở gạch, còn Nguyễn Thị Cúc làm thợ may. Thu nhập cũng như đời sống của họ thuộc dạng trung bình như bao người khác. Vài năm gần đây thấy vợ chồng Cúc phất lên như diều gặp gió nhưng cũng không ai biết cặp “đại gia” này kinh doanh mặt hàng gì.
Thông tin ban đầu cho biết, Nguyễn Thị Cúc vốn có một người nhà đi làm ăn ở ngoài không may chết sớm vì thế được đền bù một khoản tiền. Từ số tiền được đền bù vợ chồng Cúc không đầu tư vào kinh doanh, sản xuất chân chính mà cho vay nặng lãi rồi xoay vòng vốn kiếm phần trăm.
Do nắm bắt được tâm lý của người dân, thích phần trăm cao, Cúc đã tự khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy từ cách tiêu xài phô trương, vung tiền không tiếc tay phần nào đã tạo dựng được lòng tin cho người dân. Thỉnh thoảng Cúc lại mang từ 50 - 70 cây vàng đến các cửa hàng vàng bạc trên địa bàn huyện bán với giá phải chăng. Thâm sâu hơn nữa, khi đã xác định được gia đình nào là “con mồi” Cúc sẽ mang các tải tiền, vàng gửi vào gia đình đó hòng phô trương tiềm lực.
Với mức lãi suất “không cưỡng lại được” của vợ chồng Cúc nhiều người dân quanh vùng đã lần lượt mang tiền gửi cho Cúc. Không có tiền mặt, nhiều người mang "sổ đỏ" cắm, huy động tiền của anh em họ hàng, vay mượn người quen mang cho Cúc hòng ăn chênh lệch. Chính vì điều này mà thị trấn Phú Minh xuất hiện hẳn một “đại lý” tín dụng đen. Bên dưới của đại lý đó có hàng loạt những đại lý cấp thấp.
Khi đã tạo dựng được uy tín, Cúc bắt đầu tỏ thái độ “chê tiền” với số lượng nhỏ và không bao giờ chủ động đi vay người khác. Một chủ nợ của vợ chồng Cúc cho biết: “Gần đây Cúc không bao giờ phải đi hỏi vay mà người ta tự mang đến. Thậm chí Cúc chỉ vay số tiền từ 100 triệu trở lên”. Điều đặc biệt khi vay nợ, Cúc chỉ có một giấy biên nhận và chỉ ký riêng tên mình.
Khi chúa chổm Nguyễn Thị Cúc chưa hiện nguyên hình thì gần như tất cả người dân tại thị trấn Phú Minh coi vợ chồng thị là một cặp thành đạt và tốt bụng. Bởi, Cúc và Hùng đã khéo léo đánh bóng hình ảnh của mình qua những hoạt động xã hội.
Gần đây, Cúc và chồng bỗng tuyên bố sẽ chi ra cả trăm triệu cho xóm làm đường bê tông sạch sẽ. Không những vậy, thị còn tổ chức tiệc rượu linh đình trong ngày khánh thành. Tuy nhiên khi được tin Cúc bỏ trốn mọi người mới vỡ ra: Vợ chồng Cúc chưa thanh toán xong số tiền hứa đầu tư thi công đường bê tông cho ông Phạm Văn Minh (người ứng tiền trước cho công trình).
Câu chuyện vỡ nợ của vợ chồng Cúc - Hùng không chỉ nóng bởi bao người có nguy cơ mất trắng mà còn xoay quanh những phút ăn chơi của họ. Từ người già đến trẻ con, gần như ai ai cũng biết độ ăn chơi khủng của đôi vợ chồng “đại gia” này. Cứ hàng tuần gia đình họ lại lên thành phố hai lần mua sắm toàn đồ hiệu. Ăn mỗi bữa lên đến cả chục triệu đồng.
Ngôi biệt thự của Hùng - Cúc |
Không những vậy, hàng ngày Hùng thường xuyên đi dạo quanh thị trấn bằng chiếc xe Audi A8 giá gần 8 tỉ đồng. Cúc còn đầu tư 1,6 tỉ đồng mua một miếng đất làm bãi đậu ô tô. Vài ngày trước khi vụ vỡ nợ xảy ra, tại một quán nước ven đường, Hùng còn ngông nghênh nói với những người xung quanh: “Nhà của ông V. bán 40 tỷ đồng, tôi chồng tiền ngay”.
Dừng chân tại một quán nước ở thị trấn Phú Minh, một người với dạng vẻ bất cẩn kể: “Vừa mới đây thôi vợ chồng nó có dự định xây biệt thự vài chục tỷ nhưng do đất hẹp, con Cúc đổi cho nhà láng giềng một miếng to hơn ngoài mặt phố. Không những thế còn cho người ta hơn tỷ bạc xây nhà”. Dứt lời người đàn ông này thở dài: “Thế mà nay lại chui lủi!”.
Vài ngày gần đây ngôi biệt thự xa hoa của vợ chồng Hùng - Cúc đóng im ỉm. Hùng tự giam mình tại nhà, tuyệt đối không ra ngoài. Cô con gái mới học lớp 2 vài ngày nay cũng bị cho nghỉ học với lý do: “Sợ con nợ bắt”.
Trái hẳn với “khí phách” thường ngày, Hùng vừa tháo dỡ đồ đạc vừa nói: “Bây giờ tôi chỉ trông chờ vào mấy đứa con. Mấy ngày nay, tôi liên lạc với nó suốt mà không được. Chỉ tội cho mấy đứa con nhỏ suốt mấy ngày qua khóc hết nước mắt vì nhớ mẹ. May mà có ông bà và các bác giúp đỡ, nếu không chắc tôi chẳng xoay xở được với thằng bé vừa tròn 10 tháng tuổi”.
“Đại gia” Cầu Giấy lừa toàn người thân và hàng xóm
Đó là phương thức làm ăn của con nợ khủng Phạm Thị Chinh (trú tại tổ 28, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội). Khi vụ vỡ nợ xảy ra hầu hết hàng xóm và người thân của Chinh đều bàng hoàng khi bị chính người mà mình tin tưởng lừa.
Cũng giống như nhiều con nợ khác, Phạm Thị Chinh biết cách tạo uy tín và đánh bóng hình ảnh của mình trước những người thân và hàng xóm bằng nhiều thủ đoạn. Đầu tiên là lối sống chan hòa, vui vẻ không điều tiếng gì với những người xung quanh.
Đối tượng Phạm Thị Chinh |
Khi đã xác định được “con mồi”, Chinh sẽ chủ động tiếp cận bằng cách lái những chiếc xe đắt tiền đỗ xịch trước cổng ngõ nhà “đối tượng” mà mình định vay. Thậm chí để tỏ ra nhiều tiền và hào phóng, Chinh đã tặng không cho một chủ nợ chiếc nhẫn kim cương trị giá tới 120 triệu đồng. Với nghĩa cử phóng khoáng ấy mấy ai mà cầm lòng không nhận.
Hơn nữa điều đó cũng đủ để người cho vay tin rằng Chinh phải giàu tới mức nào thì mới dám chi đẹp như thế. Từ niềm tin ấy các chủ nợ không có lý do gì mà không cho Chinh vay. Vừa là để đáp trả thịnh tình của Chinh lại vừa đem lại siêu lợi nhuận cho mình. Hoặc một chiêu khuếch trương tiềm lực kinh tế khác mà con nợ Phạm Thị Chinh vẫn hay dùng là “vô tình” ghé qua nhà “con mồi” với những bao tải tiền trĩu nặng.
Một số chủ nợ còn kể lại rằng, những lần đầu tiên đến nhà Chinh họ đều được Chinh niềm nở dẫn lên phòng ngủ của hai vợ chồng. Rồi sau đó lôi ra một rổ toàn dây chuyền, nhẫn với vàng tây, vàng ta đủ cả. Chủ nhà không tiếc, ai thích món đồ nào thì cứ cầm về coi như quà kỷ niệm.
Thế nên với những cách thức đánh bóng hình ảnh như vậy Phạm Thị Chinh dư sức tạo niềm tin cho những chủ nợ. Từ niềm tin ấy họ không ngại ngần đổ tiền vào hầu bao của Chinh những mong có được món hời ngất ngưởng.
Quá choáng váng trước cú sốc Phạm Thị Chinh cùng gia đình đã bỏ trốn, nhiều chủ nợ đã rơi vào thảm cảnh. Trong số ấy phải kể đến người hàng xóm thân cận của gia đình Chinh là bà Lê Thị Thoa. Kể từ hôm Chinh bỏ trốn bà Thoa cũng đổ bệnh theo. Khi phóng viên đến, bà Thoa đã không thể nói một lời nào mà chỉ khóc còn chồng bà Thoa dù cố tỏ ra bản lĩnh nhưng vẫn không giấu nổi nét bơ phờ trên khuôn mặt: “Con Chinh nó còn gạ vợ tôi cho mượn "sổ đỏ".
May thế nào cả gia đình tôi lại không đồng ý, chứ nếu không thì không biết giờ này còn thảm hại đến thế nào nữa”. Sau khi vợ chồng Chinh bỏ trốn nhiều cô dì chú bác đằng nhà chồng Chinh cũng tìm đến tận nhà để đòi tiền. Hành động này chẳng khác nào hái sao trên trời, bởi lẽ con nợ của họ đã cao chạy xa bay với một kế hoạch bỏ trốn hoàn hảo.
Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một tháng, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã liên tiếp xảy ra những vụ vỡ nợ với con số khủng. Ước tính vụ nhỏ nhất cũng lên tới cả trăm tỷ. Biết bao gia đình tan cửa nát nhà trước cơn lốc “tín dụng đen” này. Trong khi vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng ở thị trấn Phùng (Đan Phượng), con nợ là vợ chồng Bùi Thị Quyên (1975) và Tạ Việt Quang (1976) chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên như một ngòi nổ báo động cho tình trạng hoạt động “tín dụng đen” ở ngoại thành Hà Nội. Và trước đó không lâu vào ngày 27.9.2011 tại phường Quang Trung, quận Hà Đông cũng xảy ra một vụ vỡ nợ của bà Nguyễn Thị Dậu.
Khi vụ việc vỡ lở đã có hàng trăm người kéo đến bao vây ngôi nhà của bà Dậu với mục đích canh không cho con nợ này bỏ trốn. Và gần đây nhất, vào ngày 7.10.2011 là vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội, hai đối tượng trong vụ án này là cặp vợ chồng Phạm Thị Chinh và Nguyễn Ngọc Chúc với số nợ ước tính lên tới vài trăm tỷ. Vụ vỡ nợ khiến cả tổ dân phố 28, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy giật mình tá hỏa.
Bởi lẽ hầu hết các chủ nợ khi cho Chinh vay đều âm thầm lặng lẽ với tâm lý không muốn ai biết mình có nhiều tiền. Chỉ đến khi cả gia đình Chinh bỏ trốn thì những chủ nợ mới ớ người khi nhận ra rằng: Không chỉ có mình mình mà hầu hết những người có tiền trong khu phố đều đã bị Chinh lừa.
Hầu hết các con nợ nói trên đều có chung một thủ đoạn là: Phô trương thanh thế để tạo niềm tin. Vay nợ với lãi xuất cao và ban đầu trả lãi rất sòng phẳng. Điều này đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người đó là lòng tham và sự cả tin...