Cầm thỏi son của tôi, “nàng” quẹt hai nhát, không những kín luôn đôi môi móm mém mà còn nhoe nhoét ra ngoài. “Xinh chưa?”. “Xinh rồi. Đi gặp Linh nhé”. Miệng cười chúm chím chỉ thấy mỗi lợi là lợi, răng rụng hình như gần hết, “nàng” gật đầu và một hai đòi lên xe của tôi để đi chợ Sapa - nơi ấy, có anh người yêu kém 50 tuổi đang ngất ngư, say mèm ở một góc trong quán rượu.
“Nó”... cứ thế thôi!
Nhà bà Sông nằm ngay ria đường, một ngôi nhà gỗ giống như bao ngôi nhà của người Mông sinh sống trên lưng chừng núi thuộc xã Hầu Thào, huyện Sapa, Lào Cai này. Nhưng tối om và phải định thần một lúc mới nhìn thấy dăm bảy người lớn gồm con trai, con rể, cháu dâu và một lũ cháu lít nhít chừng 3-4 tuổi đang ngồi chơi trong ngôi nhà nền đất ấy. Mấy người lớn ngồi quanh bếp lửa cuối nhà, nói với nhau bằng ngôn ngữ riêng.
"Người đàn bà yêu" |
Họ chả hiểu chúng tôi là ai, từ đâu đến, nhưng họ không ngạc nhiên, vì thỉnh thoảng lại có vài người khách du lịch đến Sapa, nghe kể về bà Sông và quyết đến tận nhà tìm bà cho bằng được. Hỏi thăm bà Sông, người con trai lớn - ông Đỏa (tôi nghe và dịch ra thế, hoặc là một từ nào đó giống từ Đỏa) năm nay đã 67 tuổi, có 5 người con và một đống cháu, bảo: “Nó (bà Sông) đi chơi từ sáng rồi”. “Bà Sông đi chợ hả bác?” - tôi hỏi. “Không. Nó đi chơi nhà con rể. Dạo này đau yếu rồi, không đi chợ được nữa”.
Phải nhờ một đứa cháu trai của bà đi đón, chừng 30 phút sau, bà Sông được chở về nhà, dáng đi đã bắt đầu run rẩy. Da nhăn nheo, đen bóng, bà móm mém cười híp mí, vui ra mặt khi thấy tôi nhắc đến Linh (Giàng A Linh, 37 tuổi, người yêu của bà). “Nó (các con) không cho đi chợ nữa, sợ ngã bậc thang, bắt nghỉ ở nhà, không gặp Linh được nữa”. “Không gặp thì bà có nhớ Linh không?”. “Nhớ chứ. Nhớ lắm”. Mắt bà chợt loáng nước. Một người cháu dâu của bà Sông vội vàng nói chen vào: “Thôi đừng hỏi nữa, bà khóc đấy”.
Những người xe ôm hoặc bất cứ người bán hàng nào (mà là người Kinh) ở khu du lịch Sapa cũng đều biết câu chuyện tình của bà Sông và chàng trai Giàng A Linh; còn những người dân tộc Mông, Dao bán hàng nơi đây, khi hỏi, một là “không biết”, hai là “biết nhưng không quan tâm”, vì “chuyện ấy cũng bình thường thôi mà”. Hóa ra, người dân tộc Mông không có thói quen tọc mạch và quan điểm về tình yêu cũng thoáng và đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng họ đặc biệt chung thủy trong tình yêu, nhất là những người phụ nữ Mông.
Bà Sông bỗng dưng trở thành người nổi tiếng, ai lên Sapa cũng phải cố gắng tìm bằng được “người đàn bà yêu”. Cho đến bây giờ, câu chuyện tình ấy vẫn là “đặc sản” ở vùng du lịch kỳ thú này. Nhiều người lên Sapa chỉ hằng ngày đi quanh quẩn trong chợ để tìm “nàng Sông” và “chàng Linh”. Hồi còn khỏe mạnh, “người đàn bà yêu” ấy có thể rảo bước cả ngày bám theo khách du lịch bán hàng lưu niệm không biết mệt, chỉ để đến tối đủ tiền cho “hai đứa” cùng ngất ngư trong một góc quán rượu quen, chủ yếu dành cho những người dân tộc Mông xuống chợ.
Ai cũng nói, chuyện “nàng Sông yêu chàng Linh là có thật”, nhưng còn “chàng Linh có yêu nàng Sông hay không, hay chỉ lợi dụng bà để được có tiền thỏa thích uống rượu mỗi ngày” thì vẫn là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Nhưng chuyện “abc, xyz” của hai con người rất lệch lạc về tuổi tác ấy là chính xác trăm phần trăm không phải bàn cãi, thậm chí đã từng có người chứng kiến kể lại (tất nhiên là nhìn trộm), họ thậm chí còn “mãnh liệt” hơn bất cứ mọi đôi trai gái yêu nhau nào.
Người ta đồn đoán bà Sông có bùa ngải hoặc phải có một phương thuốc đặc biệt nào đó mới có thể giúp bà “hồi xuân” như gái mười tám, đôi mươi đến vậy. Nhiều khách du lịch nữ đã tìm đến bà với mong muốn được bà truyền cho kinh nghiệm hay bán cho loại lá cây quý hiếm được hái trên rừng nào đó.
Sự thực thì bà chẳng có một bùa ngải nào hết, cũng không dùng loại thuốc nam, thuốc bắc gì cả, ông Đỏa - con trai duy nhất của bà nói: “Nó (bà Sông) chả dùng thuốc gì đâu, nó cứ thế thôi”. Cái sự “cứ thế thôi” của bà Sông nghĩa là 85 tuổi rồi vẫn yêu, yêu điên cuồng là khác.
Hồn nhiên sống, hồn nhiên yêu
Theo lời kể của ông Đỏa thì bố của ông (tức chồng bà Sông) đã mất từ năm 1982, khi bà Sông đã ngoài 50 tuổi, chứ chả phải hồi bà mới đôi mươi như thông tin trước đây. Tôi nhờ ông Đỏa hỏi mẹ, rằng bà Sông thích ăn gì nhất, với mong muốn tìm được một phương thức “hồi xuân” từ những thứ bà thích ăn hằng ngày, ông Đỏa nói một tràng bằng tiếng Mông, bà Sông thừ mặt ra nghĩ ngợi một lúc rồi trả lời: “Cái gì cũng thích ăn hết, nhưng thích nhất là ăn... thịt”.
Giàng A Linh và bà Sông |
Nghe câu trả lời này hẳn nhiều độc giả thất vọng. Nhưng sự thể là như thế, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có một “bà Sông” ở xứ sở Sapa sương mù, gắn với câu chuyện tình lãng mạn này; mà chuyện “abc, xyz” ở những người đàn bà lớn tuổi người Mông là chuyện khá bình thường. Hẳn là “người đàn bà yêu” này có một nguồn năng lượng cực kỳ dồi dào, thậm chí có thể nói là đặc biệt, giống như hiện tượng bất thường ở một số người, vậy thì chuyện “yêu” của bà có lẽ âu cũng là... cái liễn.
Bà Sông sinh nở 9 lần thì mất tới 4, giờ chỉ còn lại 5 người con. Ông Đỏa là con trai duy nhất và cũng từng làm cán bộ mặt trận Tổ quốc của xã Hầu Thào một thời gian dài. Ông nói được tiếng Kinh và có vẻ nói giỏi nhất nhà, chứ bà Sông thì chỉ bập bẹ một vài câu. Ông Đỏa khá vui tính, ông bảo: “ “Nó” nổi tiếng mới được lên báo đấy”, giờ thì tôi cũng được lên báo rồi. Tôi cũng nổi tiếng mà”, rồi ông cười vang nhà.
Hai tháng nay bà Sông nghỉ chợ, bà bảo, đầu bà đau lắm, chân cũng mỏi, không lẵng nhẵng đi theo đám khách hàng mấy chục cây số một ngày được nữa, cơ thể bà muốn nghỉ ngơi rồi nên chỉ ở nhà thôi. “Yếu thế này thì sức đâu mà yêu nữa?” - tôi hỏi đùa bà Sông.
Con cháu bà cùng cười váng nhà, rồi xúm vào trêu bà. Họ nói với nhau bằng tiếng Mông và cùng cười khanh khách. Con cháu bà không ngại ngùng khi chúng tôi đề cập chuyện này, điều ấy đã xóa tan mọi suy nghĩ lo lắng ban đầu của chúng tôi, rằng sẽ bị họ đuổi khỏi nhà không thèm trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến chữ “yêu” của bà Sông.
Một cán bộ Công an huyện Sapa nói với tôi, đàn ông người Mông không chăm làm như đàn bà, và hầu như ai cũng có thói quen uống rượu khi xuống chợ. Giàng A Linh cũng là một trong số đó. Nếu nói Linh chăm chỉ làm lụng thì đã không có chuyện anh ta ngồi cả ngày ở chợ uống rượu đợi “người yêu” đi bán hàng về.
Với những người đàn ông người Kinh làm nghề xe ôm ở khu du lịch này thì cho rằng: “Thằng đấy một là bị điên, hai là lợi dụng bà già để xin tiền uống rượu”. Không biết sự thật là thế nào, nhưng đã hai tháng nay, khi bà Sông không thể đi chợ được nữa thì Giàng A Linh cũng thỉnh thoảng mới xuống chợ chứ không thường xuyên như trước kia.
Thế nên, chỉ khi nào, anh ta đi “yêu” một “bà Sông khác” thì mới có cơ sở cho rằng, Linh chỉ lợi dụng bà để kiếm tiền uống rượu. Còn bây giờ, hẵng cứ tin rằng tình yêu của họ dành cho nhau là có thực. Khi đã mỏi gối, chồn chân, bà Sông vẫn đòi đi gặp Linh, mà tôi đồ rằng, không phải để giải phóng nguồn năng lượng đang sắp cạn kiệt trong bà, mà chỉ đơn giản là nhớ, là thương, là yêu, như tình cảm của rất nhiều đôi trai gái khác.
Bà Sông rất hay chải đầu, bà gỡ lược trên tóc - một chiếc lược được làm bằng nhôm mà bà bảo, bà mua nó những 50 nghìn đồng, và cào lên mái tóc rối của tôi. Bà dặn: “Phải chải đầu thường xuyên thì mới xinh, mới đẹp, mới có... người yêu”.
Bà Sông bỗng trở nên nổi tiếng vì tình yêu của mình |
Tôi mang đồ trang điểm ra để thử xem phản ứng của “người đàn bà yêu” này. Hóa ra, ở tuổi 85, “nàng” vẫn thích làm đẹp nên cầm ngay thỏi son của tôi quẹt hai phát. Cầm chiếc gương tôi đưa, bà Sông ngắm đi ngắm lại gương mặt mình, như thiếu nữ ngày đầu chập chững làm quen với gương lược.
Bỗng bà bâng khuâng hỏi, không biết giờ này “người yêu” đang ở chợ hay ở nhà và dặn tôi: “Nếu mà gặp Linh, thì nói là mình nhớ nó lắm”. Nhìn vành môi nhoe nhoét, tôi nửa muốn cười, nửa muốn chảy nước mắt vì thương bà, thương cho cái cảm xúc yêu mãnh liệt vẫn bừng cháy trong bà.
Chợt ước có một ngày được hồn nhiên mà sống như những người dân tộc Mông quanh năm thiếu nước, sống bám trên những vách núi cheo leo nơi đây, chỉ ăn mèn mén nhưng khỏe, vui và yêu điên cuồng...