Thưa ông, mấy ngày gần đây, NSƯT Chí Trung đã lên tiếng tỏ ý không “tâm phục khẩu phục” việc Hội đồng cấp Bộ gạt hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND đối với mình. Ông có thể giải thích lý do hồ sơ của nghệ sĩ Chí Trung không đạt?
- Anh Chí Trung được xét NSƯT năm 1997 và từ đó đến nay, theo bản kê khai thì nghệ sĩ này có 4 Huy chương Bạc và và 1 Huy chương Vàng (cho đạo diễn xuất sắc vở “Mùa hạ cuối cùng” tại hội diễn của Hội Nghệ sĩ sân khấu). Theo quy định thì việc quy đổi huy chương sẽ được tính là: Huy chương Vàng, giải Nhất, Nhì, Ba của các liên hoan, hội diễn do các hội chuyên ngành tổ chức sẽ được tính bằng 2/3 Huy chương Vàng cấp nhà nước. Nhưng riêng với trường hợp giải Vàng của vở “Mùa hạ cuối cùng”, trong hồ sơ chúng tôi nhận được thì vở diễn này anh Chí Trung chỉ được tặng “Giải đạo diễn” chứ không kèm theo bất cứ thành tích là HCV hay bạc nào nên không thể xác định thành tích này quy đổi thế nào. Chính bởi thế tiêu chí số huy chương của anh Chí Trung chưa đủ.
Vậy trong trường hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu có xác nhận rằng đây là giải Vàng và nghệ sĩ Chí Trung bổ sung vào hồ sơ thì có được xét không?
- Khi đưa trường hợp này ra xét, đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu đã giải thích rất rõ về việc đó nhưng Hội đồng chỉ làm việc “án tại hồ sơ”. Còn việc bổ sung là không thể. Không thể có chuyện anh bị nhỡ tàu ở ga Huế thì lại bắt ô tô đuổi theo vào đến ga Sài Gòn. Tất cả mọi chuyện đều phải tuân theo đúng quá trình từ đầu đến cuối.
Về thông tin “các nghệ sĩ hài bị kỳ thị khi xét danh hiệu”, ông có bình luận gì không?
- Giữa giới nghệ thuật với nhau, giữa hài kịch và chính kịch phân biệt cao thấp ra sao tôi là người “ngoại đạo” nên không có ý kiến. Có thể với những người trong nghề, chuyện phân biệt về chuyên môn là có thật nhưng khi xét hồ sơ tặng danh hiệu, mọi đối tượng đều bình đẳng.
Chưa bao giờ hồ sơ phân biệt đâu là nghệ sĩ hài kịch- chính kịch. Trường hợp của 2 nghệ sĩ Minh Hằng, Chí Trung là do chưa đạt đủ các tiêu chí. Còn với nghệ sĩ hài Hoài Linh, Hội đồng cấp Bộ có xét hồ sơ này đâu. Hồ sơ của anh ấy do UBND TP.HCM trình lên Hội đồng Nhà nước nên chưa thể nói là được hay không được. Hội đồng cấp Nhà nước sẽ đưa ra kết quả cuối cùng sau ngày 10.7.
Theo ông, có hay không chuyện “chạy danh hiệu” như dư luận đồn đoán?
- Trong xã hội có nhiều tiêu cực, vì thế ai cũng nghĩ rằng có thể “chạy” được danh hiệu. Lãnh đạo nhà hát có nói đỡ cho các nghệ sĩ của mình không? Chắc chắn phải có chứ. Trong mỗi dịp xét tặng thi đua, việc đứng ra bảo vệ cán bộ của mình là chuyện rất bình thường, hết sức đời thường, hết sức con người. Nhưng khi ngồi vào hội đồng, điều đó có thể hiện ở các phiếu bầu hay không thì lại là việc hoàn toàn khác. Do đó đây không thể coi là bằng chứng pháp lý.
Còn về chuyện nghệ sĩ “chạy” hội đồng thì càng vô lý. Bởi việc xét tặng phải qua 4 cấp: Hội đồng cơ sở từ 5-7 thành viên, cấp tỉnh/thành/bộ có khoảng 15-20 thành viên, Hội đồng cấp Nhà nước và hội đồng chuyên ngành có từ 20- 25 thành viên. Tổng cộng, muốn hồ sơ vào tới vòng trong cùng phải qua gần 50 thành viên trong Nam ngoài Bắc. Có ai đủ sức, đủ lực “chạy” từng đó người không?
Có chuyện nghệ sĩ bị loại vì cảm tính không? Chẳng hạn do người đó không “được lòng” các thành viên hội đồng?
- Một hồ sơ muốn được thông qua phải đạt trên 90% số phiếu bầu. Với hội đồng có 17 người, chỉ cần 2 người không đồng ý, đương nhiên hồ sơ bị loại. Chúng ta là con người, làm sao ai cũng có thể được lòng được hết tất cả mọi người. Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo rằng các thành viên hội đồng đã ngồi vào vị trí này đều được lựa chọn qua quy trình rất chặt chẽ, được các hội chuyên ngành giới thiệu. Riêng Hội đồng cấp nhà nước còn phải do Thủ tướng phê duyệt nữa.
Xin cảm ơn ông!