Ông là Thượng tá Lê Đức Đoàn (SN 1959), người đã có gần 40 công tác trong lực lượng CSGT, 19 năm làm nhiệm vụ ứng trực tại chốt phía Nam cầu Chương Dương, quận Hoàn Kiếm - người đã nhiều lần giải cứu thành công hàng chục trường hợp có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người trìu mến gọi ông là “vị cứu tinh trên cầu Chương Dương”.
Không còn bận rộn với nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn giao thông tại một trong những chốt giao thông “nóng” nhất trên địa bàn thành phố, giờ đây, khi đã về nghỉ, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho hay, ông có nhiều thời gian dành cho gia đình- điều mà trước đây khi còn công tác, ông ít khi thực hiện được. “Vợ tôi là công chức nhà nước, con trai lớn cũng đang công tác tại Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, còn con gái út đã tốt nghiệp Học viện Ngoại giao. Bao năm vợ chồng vất vả nuôi các cháu ăn học, cuộc sống được như hiện nay, tôi thấy cũng mãn nguyện. Những việc mình làm được âu cũng là làm phúc, trước hết là để phúc đức cho con, vì con trẻ sẽ theo gương mẹ cha mà phấn đấu”, Thượng tá Đoàn tâm sự.
Ông cho biết, ngoài thời gian dành cho gia đình, chăm sóc cháu nội 2 tuổi, từ khi biết ông nghỉ hưu, hằng ngày, rất nhiều người dân trong khu phố đã tìm gặp để nhờ giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về giao thông cũng như kiến thức pháp luật về TTATGT.
“Đúng là tiếp xúc, lắng nghe những thắc mắc của người dân mới thấy, hiểu biết về Luật Giao thông của người dân vẫn còn hạn chế. Bởi thế tôi cũng chủ động tuyên truyền những kiến thức như khi tham gia giao thông thì cần quan sát thế nào, nhường đường ra sao, chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thế nào...”, Thượng tá Đoàn kể và cho biết, không chỉ có người lớn tuổi trong khu tập thể, khối phố mà ngay cả khi ở sân chơi với các cháu nhỏ, ông cũng đều chủ động tìm cách phổ biến những kiến thức về ATGT cho các cháu thông qua những câu chuyện, những hình ảnh để các cháu có thể nhận biết một cách dễ dàng.
Nhớ lại lần cứu người để lại ấn tượng sâu sắc nhất, Thượng tá Đoàn kể, đó là vụ ngăn được hai mẹ con định buông mình xuống sông vào chập tối 6/6/2012.
Hôm ấy, Thượng tá Đoàn đang làm nhiệm vụ ở đầu cầu thì nghe tin báo có người định nhảy cầu tự tử. Đã quen xử trí tình huống này, ông vội nhảy lên xe máy của một người dân. Đến gần giữa cầu thì thấy một phụ nữ bế bé gái đang trèo qua lan can. Bé gái sợ hãi bám chặt vào thành cầu, khóc ré lên và người mẹ cũng khóc nức nở. Hai mẹ con đã ở tình thế rất nguy hiểm. Thượng tá Đoàn vội nhảy xuống ôm riết lấy cả hai nhưng người mẹ vẫn cố nhoài ra sông: “Tôi không muốn sống nữa. Hãy để tôi chết!”. Thượng tá Đoàn thét lớn: “Em muốn chết nhưng còn đứa con? Con em có tội tình gì mà em nỡ thả nó xuống sông sâu thế này?”. Ngay lúc đó, một đồng đội đã kịp thời đến trợ giúp đưa hai mẹ con vào. Cùng với các đồng nghiệp nhẹ nhàng phân tích suốt gần hai giờ thì người phụ nữ quẫn trí vì chuyện gia đình mới bỏ ý định quyên sinh, trở về nhà.
Còn một vụ nữa mà Thượng tá Đoàn cũng rất nhớ, đó là lần dọa đánh anh chồng có vợ định nhảy sông Hồng tự tử.
Đó là vào năm 2011, chị Nguyễn Thị T., lấy chồng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên. Không chịu nổi người chồng hay ghen vô cớ và thường xuyên hành hạ vợ, cô ấy đã ra giữa cầu Chương Dương định trẫm mình xuống sông. Sau khi kịp thời ngăn cản, ông và đồng đội đưa T. về chốt trực. Thuyết phục suốt hai giờ mà cô gái vẫn một mực “đòi chết”, ai cũng tưởng hết cách. Nhưng rồi anh em nhanh trí lấy điện thoại của T… Chừng 20 phút sau chồng T. đến, Thượng tá Đoàn giả vờ nổi giận, túm cổ quát: “Mày là thằng đàn ông mà đối xử với vợ tệ như thế à? Hôm nay mà vợ mày nhảy xuống sông thì mày có còn vợ nữa không?”. Có lẽ sự bức xúc, nổi khùng của anh CSGT không quen biết đã làm người chồng thức tỉnh, anh ta ngồi xuống ôm vợ và nức nở khóc. Từ đó vợ chồng T. sống hạnh phúc, thi thoảng vẫn ghé thăm Thượng tá Đoàn và đồng đội.
Ngoài cứu người, Thượng tá Đoàn còn rất nhiều lần tham gia bắt cướp, cứu người bị TNGT... Đưa tay day lên trán, nơi cuối sống mũi in hằn vết sẹo lõm sâu, dấu tích một lần bắt cướp năm xưa, Thượng tá Đoàn kể: “Năm 2005, trong khi tham gia truy bắt nhóm cướp gây án trên QL3, tôi bị gần 10 đối tượng bao vây hành hung. Sau lần đó, phải nằm viện ba tháng vì bị gạch và gậy của những tên cướp vụt trúng mặt gây vỡ sống mũi, rạn xương mặt. Sau lần bắt cướp “thập tử nhất sinh”, tôi được chứng nhận thương tích thương binh 3/4... Bản thân mình coi việc cứu người, giúp đỡ người dân là việc hết sức bình thường, nó là lẽ sống, cái tâm của người CSGT khi được phục vụ nhân dân vô điều kiện”, Thượng tá Đoàn nói.