Dân Việt

Nguy cơ trắng tay vì trâu chọi

18/12/2012 06:58 GMT+7
(Dân Việt) - Thông tin vòng chung kết Hội chọi trâu Chiêm Hoá (Tuyên Quang) 2013 khó được tổ chức tại sân vận động trung tâm huyện đã khiến người nuôi trâu chọi và nhà tổ chức ăn không ngon, ngủ không yên vì lo mất vốn.

Tiền tỷ dành nuôi trâu

Trong hai ngày 15 và 16.12, huyện Chiêm Hoá đã tiến hành vòng sơ loại chọi trâu với 29 trận đấu của 58 ông trâu trong huyện và một số địa phương lân cận. Do phải tiến hành trong sân vận động của thôn Tiên Hoá, xã Vinh Quang - cách trung tâm huyện khoảng 6km, giao thông khó khăn khiến các chủ trâu vô cùng lo lắng, thất vọng.

img
Vòng sơ loại của hội chọi trâu Chiêm Hoá.

Ông Lầu Văn Sinh (56 tuổi, người dân tộc Mông) ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá, lần đầu tiên có trâu chọi tham gia hội, cho biết: “Tôi trước kia chẳng biết chọi trâu là gì, nhưng thấy phong trào nuôi trâu chọi của huyện hay quá nên tham gia nuôi”. Mặc dù không biết chữ, tiền bạc không có, nhưng ông Sinh vẫn quyết tâm vay tiền, rồi một mình vào tận Đăk Lăk chọn mua được một con trâu chiến với giá 140 triệu đồng.

Theo ông Sinh, ông đã đăng ký với ban tổ chức từ đầu năm trước, đợi đến ngày chọi sơ loại thì cả nhà tạm nghỉ việc đồng áng, rồi kêu gọi con cháu ở xa về xem trâu nhà đánh trận. “Nhưng đến tết mà không được mang ra huyện chọi chung kết thì buồn lắm. Bao nhiêu công sức đầu tư vào đó hết. Với lại, mua trâu đắt rồi, không có người xem đấu, còn gì giá trị. Trâu mình có chiến thắng, giết thịt ra để đồng bào cùng thưởng thức cũng chẳng có người mua, làm gì mà thu được vốn” - ông Sinh buồn rầu.

Sở dĩ nói như vậy, theo ông Sinh, ông biết chủ trương của huyện, của tỉnh là cho chọi trâu ở sân vận động huyện nên mới tham gia, còn bây giờ bắt trâu về tận vùng xa thế này (thôn Tiên Hoá, xã Vinh Quang) chọi thì lấy ai xem, cổ vũ...

Cũng mang trâu từ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn sang tham gia chọi ở sới trâu Chiêm Hoá, ông Ngô Văn Tu (50 tuổi, người dân tộc Mông) chia sẻ: Ở bản, ở xã, con trâu của tôi đắt nhất, mua tới 90 triệu đồng. Nó to như con voi, nhà tôi có 9 đứa con thay nhau chăm sóc nó, giờ chỉ còn đợi ngày vào sới thôi. Bây giờ tổ chức ở nơi xa thế này mà không có người xem, bao công sức, tiền của của gia đình tôi xem như mất trắng”.

Để tham gia phong trào của địa phương, không chỉ có những ông chủ trâu tư nhân, mà ngay cả UBND và Ban chỉ huy quân sự xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá cũng mạnh dạn đầu tư 2 trâu chiến có giá hàng trăm triệu đồng để tham gia phong trào với bà con. Ông Vi Văn An - Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch xã cho biết: “Đây là một phong trào hay. Do vậy chúng tôi cũng tự nguyện tham gia để sát cánh cùng bà con, nhằm khuyến khích phong trào chăn nuôi trâu khoẻ ở địa phương, cũng như tăng cường tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong xã”.

Theo ông Ngô Quang Huấn - Phó ban Tổ chức lễ hội chọi trâu huyện Chiêm Hoá, tuy phong trào chọi trâu của huyện mới tổ chức được 4 năm nhưng bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Riêng chuẩn bị cho mùa chọi 2013, số tiền đầu tư vào 62 ông trâu chọi đã hơn 6 tỷ đồng. Đây là một sân chơi bổ ích, phù hợp với tinh thần thượng võ của đồng bào vùng cao.

Mong được ra huyện đấu

Mặc dù vòng sơ loại để tìm ra 32 ngưu chiến cho hội chọi chính đầu năm đã xong, và chỉ còn 2 tháng nữa là tới ngày quyết đấu, nhưng cả người nuôi trâu, ban tổ chức và hàng vạn khán giả gần xa vẫn chưa biết hội chọi trâu Chiêm Hoá sẽ diễn ra ở đâu?

Ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch huyện Chiêm Hoá, Trưởng ban Tổ chức hội chọi trâu cho biết: Hội chọi trâu tuy mới hình thành ở Chiêm Hoá, nhưng chúng tôi đánh giá đây là một hội hay, phù hợp với lòng dân, thu hút được đông đảo bà con tham gia.

Về mặt chủ trương, lãnh đạo huyện uỷ, uỷ ban cùng nhân dân trong huyện Chiêm Hoá rất muốn tổ chức hội chọi trâu đầu năm ở sân vận động trung tâm huyện, nên rất mong cấp trên tạo điều kiện cho một hội xuân đầu năm có quy mô như thế này.

Hiện huyện Chiêm Hoá đã có kế hoạch và giải phóng mặt bằng để xây hẳn một đấu trường dành cho hội chọi trâu từ năm 2014. Còn vì một điều kiện khách quan nào đó mà không tổ chức được ở trung tâm huyện thì đúng là mất vui, gây khó khăn cho người dân tham gia xem hội và rất khó khăn cho những người nuôi trâu cũng như nhà tổ chức.

Anh Nông Văn Cửu, 34 tuổi, ở xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, cho biết: Tôi mê chọi trâu nên đã đi 50km lên đây để xem, nhưng năm nay tổ chức tận trong xã này (xã Vinh Quang), đường vào khó quá, nếu tết mà trời mưa phùn chắc chẳng có mấy người vào được mà xem. Dù trâu Chiêm Hoá có tiếng là đánh hay, nhưng địa điểm tổ chức không thuận lợi, bà con muốn đi xem tìm cũng khó mà đến cũng khó.

Còn theo ông Ngô Quang Huấn, để tổ chức được hội đầu năm là vô cùng khó khăn, vì trong 2 ngày có khoảng 3 vạn đồng bào và du khách thập phương tham gia.

Với lượng lớn khán giả như vậy, chỉ có sân vận động trung tâm huyện mới đáp ứng được. Có khán giả đồng nghĩa với trâu chọi xong giết thịt mới có người mua, chứ đầu tư hàng trăm triệu đồng mà trâu ế, nông dân sạt nghiệp mất.

“Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của bà con, chúng tôi - những nhà tổ chức chỉ mong lễ hội được diễn ra ở trung tâm huyện, như vậy khán giả không phải đi xa, những chủ trâu cũng có cơ may thu hồi được vốn khi đã đầu tư cả cơ nghiệp vào trâu chọi của mình” - ông Huấn nói.

Cũng theo ông Huấn: Ban tổ chức biết nhiều nông dân đã bỏ cả vốn liếng cơ nghiệp của mình để tham gia cùng nhà tổ chức, tạo dựng nên một lễ hội cho đồng bào được cùng chơi, cùng tham gia. Nếu vẫn phải tổ chức hội ở xã, địa điểm quá chật hẹp, thu hút được số lượng ít khán giả, khiến nông dân mới đầu năm đã bị thua lỗ thì đúng là chúng tôi thấy có lỗi với bà con nhiều lắm...