Đó là năm 1963, tôi còn là một cây viết trẻ, một chàng trai háo hức học hỏi, tim tòi và khám phá thế giới. Chúng tôi được nghe GS Trần Văn Khê giảng một buổi giảng về âm nhạc dân tộc. Nhà văn Nguyễn Đình Thi giới thiệu ông là nhạc sĩ nổi tiếng, mới từ Pháp về thăm miền Bắc, kết hợp nghiên cứu dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Hôm nay ông sẽ thuyết giảng về ca trù tức là hát ả đào.
Chúng tôi - 18 nhà văn trẻ ngồi nghe ông quanh cái bàn dài. Đa số là người Bắc, chỉ có vài nhà văn miền Nam. GS Trần Văn Khê nói giọng Nam, ông là dân miền Nam mà thuyết giảng ả đào, một sản phẩm Bắc Kỳ và Nghệ Tĩnh một trăm phần trăm, làm chúng tôi thấy lạ.
Cho đến hôm đó tôi vẫn ghét hát ả đào. Bởi vì đại gia đình tôi, nội ngoại thời trước cách mạng vẫn thường rắc rối cãi cọ, bất hòa vì chuyện "hát cô đầu". Các ông bác, ông cậu, đều là nhà nho hay tú tài cử nhân tây học luôn gặp rắc rối với các bà vợ vì tội mê hát cô đầu. Nghe nói, một vài ông không những mê hát mà còn mê cô đầu nữa. Văn nhân tiền chiến mang tiếng eo sèo vì ca trù cũng không hiếm...
Nhưng nhạc sĩ Trần Văn Khê đã làm đảo lộn cái định kiến tai hại ấy trong tôi và có lẽ trong nhiều anh bạn nhà văn khác. Chúng tôi dán mắt vào ông, lắng nghe không sót một lời khi ông nói về những giá trị bất hủ của hát ả đào hay ca trù. Ông nói, ông giảng giải và ông hát, ông minh họa giáo án của mình bằng chính giọng hát "Nam Bộ" của chính ông. Lạ thay, buổi trình diễn bất đắc dĩ ấy đã thu hút hồn tôi, làm tôi hối tiếc là mình đã từng sai lầm, nghĩ không đúng về một kho vàng âm nhạc của cha ông.
Ông đã làm nên một phép lạ. Chỉ từ hôm đó tôi mới dừng lại những buổi phát thanh rất hiếm hoi khi đài phát những bài ca trù của bà Quách Thị Hồ và vài "cô đầu" khác. Tôi đã tìm thấy lại một giá trị và sửa chữa được một tội lỗi.
Tất cả từ tài năng của một nhạc sĩ hết mình yêu dân tộc và di sản của cha ông. Tôi nghĩ, ca trù được công nhận di sản âm nhạc của thế giới là nhờ những tài năng và tình yêu mãnh liệt như thế. Trong tinh anh còn lại của ca trù có một chút hồn và tinh anh của Trần Văn Khê.