Nền chính trị Trung Quốc cổ đại là nền chính trị còn ẩn giấu quá nhiều bí ẩn. Những tài liệu đã công bố thường không nói rõ chân tướng sự việc, thậm chí còn che giấu nhiều sự thực khác.
Bộ sách này được nhà nghiên cứu Dịch Trung Thiên khai mở nhiều bí ẩn và những ngộ nhận lịch sử "chết người" trong Tam Quốc. Ông đã dùng nhân vật để bàn về lịch sử, dùng văn hóa nói về nhân tính. Rốt cục Tào Tháo là gian hay trung? Sự vật bao giờ cũng có hai mặt của nó.
Mặt thành công luôn đồng hành với thất bại (trớ trêu thay, cũng có thể gọi là thành công) trong việc tiêu chí hóa mẫu người đã nhào nặn người Trung Quốc thành những con người không thực, nhân cách méo mó, giả nhân giả nghĩa.
Phẩm Tam Quốc - một cuốn sách tạo kỷ lục về lượng phát hành |
Đây là thời đại có nhiều anh hùng, một giai đoạn bộn bề khó phân, một câu chuyện vô cùng hấp dẫn, vô cùng hay ho thú vị. Chính sử ghi chép, dã sử truyền miệng, hí kịch biên soạn, tiểu thuyết diễn nghĩa. Mỗi thời kỳ có sự đánh giá, mỗi tác phẩm có sự miêu tả khác nhau. Đúng sai thật giả bàn luận sôi nổi, thành bại được mất nghi hoặc phân vân. Rốt cuộc thì diện mạo của Tam Quốc là thế nào?
Cũng chỉ có hai chữ: Loạn thế Nói rộng ra là, khói lửa ngút trời, chết đói đầy đường, chiến tranh liên miên, dân không còn đường sống. Anh hùng đại lược như Tào Tháo, cúc cung tận tụy như Gia Cát Lượng, Chu Du anh võ ngời ngời, Lưu Bị kiên nhẫn vững vàng, họ đều là anh hùng thời đại, cũng đều là anh hùng dân tộc Trung Hoa, họ muốn thống nhất một đất nước từng bị chia cắt, biến loạn thế thành trị thế, mong cho xã hội yên vui, thiên hạ thái bình. Vì vậy giữa họ có mâu thuẫn, có va chạm, có xung đột, có chiến tranh; mặt khác, để kết thúc chiến tranh, người dân phải chịu mọi khổ ải.
Lịch sử Tam Quốc đầy kịch tính khiến nó trở thành đề tài hướng dẫn của văn học nghệ thuật. Trong dân gian, nó cũng trở thành một đề tài người người ưa chuộng, thích thú. Người biết Lưu Bị rõ ràng nhiều hơn người biết Lưu Tú; người biết Tào Tháo vượt hơn người biết Vương Mãng. Công lao thuộc về các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là “Tam quốc diễn nghĩa”. Sức sống của tác phẩm văn học nghệ thuật đầy tưởng tượng và hư cấu lấy sử làm căn cứ, làm cấu tứ, làm đề tài, hư hư thực thực, nửa giả nửa thật, thêm nhiều mùi vị vào đoạn sử liệu vốn phức tạp, miên man.
Trong “Phẩm Tam Quốc”, người ta sẽ thấy một cái nhìn mới về Chu Du và Gia Cát Lượng qua những nghiên cứu của Dịch Trung Thiên.
Chu Du mới 24 tuổi đã được Tôn Sách cử là “Kiến Uy trung lang tướng”, cử ra chiến trường lập công dựng nghiệp. Cũng trong năm ấy Tôn Sách và Chu Du cùng cưới con gái Kiều công là Đại Kiều và Tiểu Kiều về làm vợ. Rõ ràng con người Chu Du bất kỳ ở đâu, quan trường, chiến trường hay tình trường, đều được như ý, liệu còn có ai được mọi người hâm mộ hơn thế nữa?
Một người trẻ tuổi luôn được như ý thì liệu còn gì để phải ghen tỵ với người khác và vì ghen tỵ với người khác mà tức đến chết? Chúng ta cũng ghen tỵ với Chu Du gần tới mức ấy. Ngược lại, Gia Cát Lượng, một người đức độ cao siêu lại được coi là “Ba lần chọc tức Chu Du”, được mô tả thành “kẻ tiểu nhân gian trá hiểm ác” (lời Hồ Thích), nghĩ xem, đau xót biết chừng nào!
Điểm qua vài hình tượng và những câu chuyện đã gắn họ vào huyền thoại lịch sử ít nhiều cho chúng ta thấy huyền thoại và lịch sử cách xa chúng ta như thế nào cũng như những ngộ nhận chết người của lịch sử về Tam quốc. Và bắt đầu bộ sách khám phá bí ẩn, bình luận sắc sảo tuyệt đỉnh của Dịch Trung Thiên, chúng ta đến với một hình tượng lịch sử, hình tượng văn học, hình tượng dân gian phức tạp nhất, được mọi người bàn luận nhiều nhất, để họ đua chúng ta vào một giai đoạn lịch sử hoành tráng mà phức tạp.
Minh Minh