Góp ý tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến phát biểu không tán thành với đề xuất người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc thay chức danh tổng biên tập. Ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng chức danh tổng biên tập là độc nhất, là đặc trưng với nghề báo. Còn chức danh giám đốc nghe có chất thương mại, trong khi báo chí là cơ quan tuyên truyền.
Chung quan điểm, ông Vũ Thế Lân - nguyên Trưởng ban Chính trị xã hội Báo Nhân Dân nói: "Nếu theo dự thảo luật thì tổng biên tập nhiều cơ quan báo chí trở thành tổng giám đốc, giám đốc. Điều này nghe không ổn lắm. Thí dụ tổng giám đốc tạp chí bảo hiểm xã hội, tổng giám đốc tạp chí pháp lý chẳng hạn. Theo tôi gọi tổng biên tập vẫn thuận hơn". Theo ông Lân, luật hiện hành đã có quy định người đứng đầu cơ quan báo chí không chỉ có tổng biên tập, còn có chức danh tổng giám đốc, giám đốc với đài truyền hình, đài phát thanh. Chính vì thế nên giữ như quy định của luật hiện hành.
Cũng phản đối đề xuất thay chức danh tổng giám đốc, giám đốc cho chức danh tổng biên tập, ông Nguyễn Thành Phong - Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội nhấn mạnh, luật cần phải giữ lại chức danh tổng biên tập vì ngoài đặc trưng công việc, nó còn quen thuộc với người dân, xã hội. Ông Phong cảnh báo nếu quy định chức danh tổng giám đốc, giám đốc đối với người đứng đầu cơ quan báo chí, sẽ có nguy cơ nảy sinh nhiều tổng biên tập dưới quyền các tổng giám đốc, giám đốc.
Tuy vậy, từ một góc nhìn khác ông Nguyễn Minh Quang - Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống lại cho rằng điều này cũng có thể hợp lý trong một số trường hợp nhất định. “Đối với một số cơ quan báo chí kết hợp nhiều loại hình báo chí như báo in, báo nói, truyền hình, báo điện tử thì có thể có chức danh người đứng đầu là tổng giám đốc, dưới họ là các tổng biên tập của các loại hình báo chí thuộc cơ quan đó. Còn các cơ quan báo chí thì vẫn nên giữ chức danh tổng biên tập” - ông Minh Quang phân tích.