Hàng trăm đứa trẻ đang điều trị những bệnh hiểm nghèo liên quan đến máu như tan máu bẩm sinh, máu trắng, ung thư máu… ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chúng luôn khắc khoải chờ đợi những đợt truyền máu. Đối với chúng máu quyết định hoạt động cơ thể, tâm trạng buồn vui và cả sự sống.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là nơi điều trị thường xuyên cho hàng trăm bệnh nhi mắc các căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến máu như tan máu bẩm sinh, máu trắng, ung thư máu
Những ngày Viện Huyết học thông báo tình trạng thiếu máu trầm trọng khiến không khí ở các khu điều trị bệnh nhi càng trở nên u ám hơn. Nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con mình.
Nhìn cậu con trai 7 tuổi chạy khắp phòng với đống dây truyền, anh Vi Văn Mận (40 tuổi, Sơn Động, Bắc Giang) chia sẻ: “Cháu mới được truyền máu 2 ngày nay nên mới có sức nghịch ngợm thế, khoảng nửa tháng sau chưa kịp truyền là cháu nằm bệt một chỗ không buồn nói chuyện với ai. Nghe tin máu ở bệnh viện sắp hết, tôi phải gọi trước cho anh em họ hàng chuẩn bị để xin máu cho cháu.
Bé Mạnh, con trai anh Mận bị mắc chứng tan máu bẩm sinh (Thalassemia) phải truyền máu đều đặn hằng tháng. Nếu không được truyền máu kịp thời, cậu bé sẽ mệt mỏi, chán ăn, không thể đi lại được, nặng hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ở Viện Huyết học có hàng trăm trường hợp như bé Mạnh, phải điều trị thường xuyên và điều trị suốt đời bằng cách truyền máu.
Theo các bác sĩ ở Viện Huyết học, tình trạng khan hiếm máu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cho bệnh nhân, trong đó nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang có kế hoạch phẫu thuật, những bệnh nhân thiếu máu cấp, mãn tính mà phải truyền máu trong một thời gian dài như bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hay bệnh nhân bị Rối loạn đông máu di truyền (Hemophilia)… và cả các bệnh nhân mắc các bệnh về máu khác nữa…
Những đứa trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh hay ung thư máu phải gắn bó cả đời với bệnh viện. Sự sống của các em phụ thuộc hoàn toàn vào những đơn vị máu được truyền
Giờ truyền máu được những phụ huynh và những đứa trẻ này chờ đón
Cậu bé Trần Văn Sơn (Hà Quảng, Cao Bằng) ngước nhìn những giọt máu đang chảy dần vào cơ thể. Sơn năm nay đã 14 tuổi nhưng mang hình hài như một bé 6 tuổi vì mắc chứng tan máu bẩm sinh. Việc truyền máu sẽ giúp Sơn đỡ mệt mỏi hơn
Đối với những bệnh nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến máu, máu quyết định tất cả.
Chị Lục Thị Kim (33 tuổi, Hoành Bồ, Quảng Ninh) đang dỗ con ăn thêm thìa cháo, bé Ánh Ngọc cũng mắc chứng tan máu bẩm sinh, bị sốt cao, mệt mỏi nên bé rất lười ăn
Bé Triệu Tố Nghi 4 tuổi (TP Cao Bằng) khỏe hơn sau hai ngày truyền máu, đang mải mê chơi chú cá cảnh được mẹ làm bằng ống truyền
Ba cậu bé cùng vào viện khoảng 1 tuần, được truyền máu đều đặn khiến chúng khỏe khoắn, vui vẻ chơi đùa.
Anh Đinh Công Châm, bố bé Nguyệt lo lắng trước thông tin ngân hàng máu của Vviện đang thiếu hụt. Anh Châm cho biết, dù anh không cùng nhóm máu với con anh vẫn đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên do điều kiện sức khỏe yếu nên anh không được hiến máu
Đối với những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo về máu, sự sống của chúng phụ thuộc bằng những đơn vị máu được truyền.