Tại Việt Nam, không chỉ các thành viên trong cộng đồng người đồng tính mà cả những ca sỹ, người nổi tiếng, bạn trẻ Việt đều gửi lời chúc mừng đến nguời đồng tính Mỹ bằng cách đổi avatar Facebook lục sắc, biểu tượng của cộng đồng người đồng giới.
Vậy tại sao Tòa án Tối cao Mỹ hợp pháp hôn nhân đồng giới lại tác động mạnh mẽ đến nhiều người Việt Nam như vậy? Dưới đây là các lý do giải thích điều này, qua góc nhìn của ông Lương Thế Huy, cán bộ nghiên cứu về người đồng tính của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).
Mỹ là nước lớn
Với một nước lớn, vấn đề gì của nó cũng có vẻ trở nên lớn, quan trọng và ảnh hưởng tới toàn thế giới. Những tin tức tại Mỹ luôn được truyền thông, giới chính trị gia lẫn người dân trên toàn thế giới quan tâm theo dõi.
Nước đông dân hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng
Dân số của Mỹ năm 2015 là hơn 321 triệu người, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ, với diện tích cũng đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Bản đồ hôn nhân bình đẳng trên thế giới sẽ thay đổi đáng kể sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Xét về số lượng, có thêm hàng trăm triệu người giờ đây đang sống ở nơi mà họ có thể kết hôn với người họ yêu, không phân biệt giới tính.
Mỹ đưa phong trào quyền dân sự tới một cột mốc mới
Hôn nhân cùng giới được hợp pháp hóa trên toàn nước Mỹ được cho là đã giải quyết một trong những cuộc tranh cãi lớn nhất về quyền dân sự trong thế kỷ 21. Sự kiện này có ý nghĩa với toàn thể nhân dân Mỹ trọng đại như phong trào của người da màu thế kỷ 19, người nữ giới thế kỷ 20. Hôn nhân trở thành thiết chế dân sự và là một quyền dân sự cơ bản.
Cặp đôi đồng tính Mỹ khóc vì hạnh phúc khi nước này chính thức công nhận hôn nhân đồng giới.
Mỹ là nơi khởi đầu của phong trào LGBT thời hiện đại
Làn sóng phong trào xã hội mới được khởi đầu vào giữa những năm 1960, với sự ra đời của phong trào quyền của người gốc Phi, và phong trào nữ quyền. Phong trào quyền LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) cũng khởi lên từ cuối thập niên 60, thường gắn với Cuộc bạo động Stonewall năm 1969 khi cảnh sát thành phố New York bố ráp một quán bar của người đồng tính.
Ngay sau đó, những tổ chức, hội đoàn đầu tiên trên thế giới của chính người LGBT được thành lập rộng khắp trên toàn nước Mỹ. Tự hào Đồng tính (Gay Pride) ra đời cũng vào thời điểm đó, tại Hoa Kỳ (năm 1970). Cờ cầu vồng xuất hiện sau đó ít lâu, được vẽ bởi một họa sĩ Mỹ. Các tài liệu, nghiên cứu về LGBT tại Mỹ ngày càng nhiều và đóng góp lý lẽ cho toàn bộ cộng đồng LGBT trên thế giới.
Mỹ là một đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa
Người dân Mỹ có gốc gác từ khắp nơi trên thế giới, là "vùng đất của các quê hương," và số đông họ vẫn giữ liên lạc với nguyên quán của mình, bằng quan hệ gia đình, hôn nhân hay tài chính. Hôn nhân liên quốc gia tại Mỹ cũng rất phổ biến, đặc biệt với các cặp đôi cùng giới khi mà quốc gia của một trong hai người không thừa nhận hôn nhân của họ.
Năm 2013, có hơn 1,2 triệu công dân Mỹ là người sinh ra tại Việt Nam, chưa tính các thế hệ người gốc Việt được sinh ra tại Mỹ và lai chủng tộc, tổng cộng là 1,7 triệu người, chiếm 0,6% dân số Mỹ, và tương đương gần 2% dân số Việt Nam (là nhóm nhập cư lớn thứ 4 từ châu Á đến Mỹ).
Như vậy, Mỹ chắc chắn sẽ phần nào tác động đến bức tranh văn hóa, xã hội nói chung của những quốc gia mà công dân Mỹ có quan hệ gần gũi về gốc gác, huyết thống, hôn nhân. Nhu cầu về việc thừa nhận hôn nhân cùng giới liên quốc gia cũng sẽ đưa các quốc gia khác một vấn đề pháp lý cần phải giải quyết.
Mỹ không có những thứ hoàn hảo ngay từ đầu
Nhiều quốc gia phương Tây khác đã đi trước Mỹ rất lâu trong hôn nhân bình đẳng nói riêng cũng như các vấn đề tự do, nhân quyền nói chung. Vậy do đâu hôn nhân cùng giới tại Mỹ lại được khen ngợi nhiều như vậy? Đó là bởi vì xã hội Mỹ tạo ra được những cuộc tranh luận, đôi lúc gay gắt, để giải quyết những sự khác biệt một cách văn minh.
Nước Mỹ tự hào về Tòa án Tối cao của mình, nơi trên đỉnh đầu các thẩm phán là dòng chữ khắc trên đá “Công lý bình đẳng dưới pháp luật” luôn soi đường cho các phán quyết làm thay đổi lịch sử nước Mỹ. Năm 1961, bang đầu tiên của Mỹ bãi bỏ hình sự hóa quan hệ tình dục cùng giới. Tới tận năm 2003, tất cả các bang mới bỏ hình phạt quan hệ đồng tính.
Những năm 1960 tại Mỹ, đồng tính bị coi là bệnh và được áp dụng đủ các liệu pháp chữa trị từ thuốc men tới tâm linh. Người đồng tính nam bị cấm hiến máu từ năm 1985.
Cho tới tận ngày hôm nay, hầu hết các bang vẫn cho phép sa thải nhân viên vì người đó là người đồng tính, song tính hay chuyển giới. Chỉ có ba bang ngăn cấm việc “chữa trị” đồng tính. Vẫn còn kỳ thị với người LGBT trong việc thuê nhà, quân đội, trại giam, chăm sóc sức khỏe…