Mượn ao của dân rồi bán
Theo đơn kiến nghị của ông Hân, sau năm 1956, bố mẹ ông Hân là cụ Phạm Ngọc Oánh và cụ Nguyễn Thị Chính có sở hữu một cái ao khoảng 2.200m2 đối diện với chợ Đôi, thị trấn Minh Đức, huyện Tiên Lãng. Đến năm 1982 khi bố mẹ ông Hân qua đời, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng lúc bấy giờ là ông Đỗ Đình Trình đã nhờ ông Trần Thắng (anh ông Hân, đã qua đời) cho mượn một phần diện tích ao để giao cho Hợp tác xã (HTX) Mua bán huyện Tiên Lãng xây khách sạn nổi Hương Sen. Ông Thắng và gia đình đồng ý, đồng thời gia đình vẫn thả cá bình thường trên ao đó.
Tiếp đó, ngày 20.11.2004, ông Hân tiếp tục làm đơn gửi UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu trả lời vụ việc. Ngày 24.5.2005, UBND huyện Tiên Lãng có Công văn số 252/CV-UB trả lời, theo đó, UBND huyện Tiên Lãng kết luận ao mà bố mẹ ông Hân để lại đã thể hiện là đất công và do UBND thị trấn Minh Đức quản lý, thể hiện ở hồ sơ quản lý đất đai năm 1973 và chỉnh lý bản đồ năm 1986 ở địa phương này.
Không đồng ý với trả lời của UBND huyện Tiên Lãng, ngày 29.5.2005, ông Hân có đơn khiếu nại gửi UBND TP.Hải Phòng, nhưng tất cả đều “bặt vô âm tín”.
Sự bất bình của gia đình ông Hân đẩy lên đỉnh điểm khi ngày 10.12.2014 ao gia đình ông Hân bị san lấp để chuẩn bị đấu giá theo kế hoạch của UBND huyện Tiên Lãng. Đến chiều ngày 20.1.2015, sau nhiều lần gửi kiến nghị nhưng không có câu trả lời rõ ràng từ các cơ quan chức năng, gia đình ông Hân đã mua tre nứa rào lại khu đất ao của hai cụ để lại. Tuy nhiên, khi bắt đầu tiến hành thì bị các lực lượng chức năng đến cản giữ và thu hồi toàn bộ số cọc tre.
Chính quyền yếu chứng lý?
Cái mà UBND huyện Tiên Lãng lấy làm căn cứ, kết luận vụ việc là bản đồ năm 1973 và quyết định cho HTX Mua bán huyện Tiên Lãng thuê làm khách sạn nổi Hương Sen. Tuy nhiên, theo gia đình ông Hân, trong bản đồ năm 1973 còn lưu tại UBND thị trấn Minh Đức, cái ao của gia đình ông Hân có chữ C mà huyện nói là đất công là không có căn cứ. Còn lại, đối với quyết định của ông Đỗ Đình Trình cho HTX huyện Tiên Lãng thuê làm khách sạn Hương Sen, ngày 23.3.1995, ông Trình cũng đã viết giấy xác nhận cái ao của cụ Oánh và cụ Chính là chưa công hữu.
Không chỉ bác chứng lý nói trên của UBND huyện Tiên Lãng, gia đình ông Hân còn có rất nhiều xác nhận của lãnh đạo thôn, chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thôn Cựu Đôi (khu 2 bây giờ) và các cụ cao niên còn sống khẳng định cái ao là của gia đình cụ Oánh để lại cho ông Hân và các con là đúng và không bị công hữu.
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Thía - Chủ tịch UBND thị trấn Minh Đức cho biết, căn cứ vào bản đồ năm 1973 và quyết định của ông Đỗ Đình Trình cho HTX huyện Tiên Lãng thuê làm khách sạn Hương Sen và Luật Đất đai đủ để khẳng định đất ao mà gia đình ông Hân đang đi đòi quyền lợi là đất công. Tuy nhiên, khi PV NTNN yêu cầu ông Thía cung cấp cơ sở pháp lý để khẳng định gia đình ông Hân đã công hữu ao thì ông Thía không trả lời được.
Ông Nguyễn Ngọc Huy – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng cho biết, sau khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND huyện Tiên Lãng đã thành lập Tổ công tác để xác minh sự việc, nhưng đến thời điểm này gia đình ông Hân vẫn chưa cung cấp được căn cứ nào xác đáng chứng minh cái ao là quyền sử dụng hợp pháp của gia đình.
Theo chúng tôi thì việc trả lời như trên của lãnh đạo thị trấn Minh Đức, UBND huyện Tiên Lãng là chưa thuyết phục. Nếu gia đình ông Hân thiếu các hồ sơ, căn cứ chứng minh cái ao là thuộc sở hữu của mình, thì chính quyền cũng thiếu các căn cứ để khẳng định đó là đất công. Hơn nữa vụ việc đã xảy ra 20 năm, gây mất thời gian, công sức của người dân mà vẫn chưa xử lý dứt điểm là có vấn đề. Vụ việc nhỏ, nhưng nếu không xử lý hợp lý, hợp tình thì sự bức xúc trong người dân (nếu có) cũng là điều dễ hiểu (!).