Dân Việt

Lúng túng giết mổ gia súc “nhân đạo”

Thanh Xuân 29/06/2015 09:00 GMT+7
Trước sự phản ứng của Tổ chức Động vật châu Á và Australia (nước xuất khẩu bò sống sang Việt Nam) về cách giết mổ gia súc bằng búa ở Việt Nam là thiếu “nhân đạo” với gia súc, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo cải thiện vấn đề này.

Tuy nhiên, với hơn 20.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát (chiếm tới 64% tổng số điểm giết mổ gia súc toàn quốc) và chưa có một quy trình chuẩn nào được bắt buộc thực hiện, đã khiến các chủ lò mổ vẫn… mạnh ai nấy làm.

Dùng điện tiềm ẩn nguy hiểm

Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bắt đầu nghề giết mổ gia súc từ năm 2006, nhưng chỉ quy mô nhỏ lẻ, mỗi ngày giết 2 -3 con và sản phẩm chủ yếu chỉ tiêu thụ tại các chợ ở huyện Vĩnh Tường. Ông Thọ cho biết: “Từ trước đến giờ có 2 phương pháp giết trâu, bò một là đập đầu trâu, bò bằng búa tạ và hai là cắm điện vào mũi trâu bò cho con vật “đơ’ rồi chọc tiết”.

img
Hàng nghìn lò giết mổ gia súc hiện vẫn dùng phương pháp dùng búa đập đầu là chính.  Ảnh chụp một lò giết mổ ở  Bắc Giang. Ảnh:   I.T
Để giết thịt bằng phương pháp nào, ông Thọ cho biết, còn tuỳ thuộc vào khách hàng đặt thịt trâu bằng cách lột da hay thui trâu. Nếu như lột da thì dùng búa tạ đập đầu trâu, nếu thui thì dùng điện.

Riêng việc giết thịt trâu bằng điện sẽ khó lột được da và điện cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng thịt và chất lượng da trâu. “Thường những hộ giết mổ quy mô nhỏ thì dùng phương pháp truyền thống là đập đầu trâu vì nó an toàn, không rắc rối. Còn những hộ làm thịt từ 3 con trở lên thì lại thường dùng phương pháp kích điện vì nó nhanh hơn nhưng cần kỹ thuật cao hơn, trong quá trình làm thịt, có rất nhiều nước, tiết, nếu không cẩn thận có thể bị điện giật” - ông Thọ nói.

Cách làm của ông Thọ là câu chuyện phổ biến tại các làng quê. Anh Nguyễn Văn Toàn ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) làm nghề mổ trâu, bò, ngựa hơn 10 năm. Anh chia sẻ: Quy trình để giết mổ trâu, bò hay ngựa từ trước đến nay vẫn là bịt mắt lại và dùng búa đập vào đầu cho gia súc ngất trước khi cắt tiết. Thời gian gần đây, các lò mổ cũng tự học hỏi lẫn nhau để chế ra các thiết bị điện, thường là dùng điện sinh hoạt đấu vào tai hoặc mũi của gia súc, sau đó đóng cầu dao làm con vật ngất đi rồi mới cắt tiết.

“Mặc dù dùng điện sẽ đỡ tốn sức hơn và an toàn hơn cho người làm thịt gia súc, nhưng thịt gia súc lại dễ bị mất màu, đặc biệt là rất nhanh cứng, khô thịt. Ngoài ra, cách này đòi hỏi phải giết mổ nhiều gia súc, còn 1- 2 con thì dùng búa vẫn là tiện nhất” -anh Toàn chia sẻ.

Kiểu Úc, vẫn phải nhờ… búa

Ông Đỗ Văn Đống ở xã Hoàng Ninh huyện Việt Yên (Bắc Giang) là 1 trong 3 hộ ở Phúc Lâm được đầu tư công nghệ giết mổ theo tiêu chuẩn của Australia (Úc) cho biết: Để đầu tư công nghệ giết mổ của Úc hoàn chỉnh phải mất 500- 600 triệu đồng. Tốn kém nhưng khi giết mổ lại rất nhàn: Chỉ cần đưa bò vào khu giết mổ đã được cách ly hoàn toàn với các khu vực khác, đảm bảo các con bò khác không nhìn thấy đồng loại của mình bị giết thịt. Khi bò được đưa vào khu vực giết mổ, hệ thống sẽ kẹp chặt bò lại, sau đó dùng súng bắn hơi nén và đạn có lượng chất vừa đủ để gây tê liệt con vật trước khi cắt tiết.

“Thực tế dùng súng bắn rất đơn giản, thuận tiện nên kể cả khi hết bò Úc, chuyển sang giết mổ bò thường, gia đình tôi cũng dùng súng bắn. Tất nhiên, trường hợp khi súng hết đạn, chưa được cấp thêm đạn mà đơn hàng phải trả thì vẫn phải dùng búa. Còn phương pháp dùng điện giật sẽ làm “cháy” tế bào, thịt không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ bị ép giá hoặc không được thương lái thu mua” - ông Đống nói.

Theo ông Đống, từ cuối năm 2012, phía Úc đã siết chặt việc quản lý giết mổ đối với bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam theo quy chuẩn ESCAS. Đây là tiêu chuẩn được Chính phủ Úc đặt ra đối với các cơ sở giết mổ để đảm bảo bò được đối xử nhân đạo và không đau đớn. Cơ sở giết mổ của ông cũng được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư công nghệ giết mổ này.

“Ấp úng” về quy trình chuẩn

Khi đặt vấn đề với một lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình, rằng theo quy định của ngành thú y việc giết mổ gia súc có cấm dùng búa đập vào đầu hay chỉ đưa ra khuyến cáo không nên dùng phương pháp này, nhân vật này sau một hồi suy nghĩ đã cho biết, “Cái này hỏi đột ngột quá, tôi cũng không chắc, cần phải xem lại văn bản trước khi trả lời báo chí”.

Cũng với câu hỏi này, một lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, đã có quy định cụ thể tại Quyết định 87 ngày 26.12.2005 của Bộ NNPTNT về quy trình kiểm soát giết mổ động vật. “Quy định thì có cả rồi, quan trọng là ở cơ sở, nhiều lò giết mổ nhỏ lẻ thường giết mổ vào ban đêm, các quy trình cụ thể không thể kiểm soát hết được- vị lãnh đạo này cho biết. Tuy nhiên, khi xem quyết định này, chúng tôi không hề thấy có quy định cấm hình thức dùng búa đập vào đầu làm cho gia súc ngất trước khi giết mổ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện quy trình giết mổ của ngành thú y đưa ra có các phương pháp như sử dụng điện hoặc sử dụng thuốc gây mê nhưng đến hiện tại cũng chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể người dân phải sử dụng quy trình giết mổ chuẩn.

Dùng búa đập là “kém về văn hóa ứng xử”

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố siết chặt quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Lãnh đạo Bộ này cho biết, việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trong sản xuất hiện tồn tại rất nhiều bất cập.

Việc bơm nước và dùng búa đập gia súc trước khi giết mổ là những hành vi không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có biểu hiện kém về văn hoá ứng xử, gây nhiều bức xúc với dư luận trong nước và quốc tế.

Bộ NNPTNT đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, đánh giá tình trạng này trên địa bàn và có ngay các giải pháp kiểm soát cũng như hướng dẫn để các cơ sở giết mổ vật nuôi áp dụng quy trình giết mổ đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và đối xử nhân đạo với gia súc.  

Cục Thú y (Bộ NNPTNT):Đưa “giết mổ nhân đạo” vào dự thảo Luật Thú y


Trong năm 2014, Việt Nam đã nhập 181.534 con bò, trâu sống từ Úc và Ấn Độ. Dự báo trong năm 2015, số lượng nhập khẩu trâu, bò từ hai thị trường này sẽ còn tăng mạnh.

Trước nhu cầu hội nhập, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản sạch, đủ chuẩn xuất khẩu và đảm bảo nhân đạo với động vật, đại diện Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết,  trong dự thảo Luật Thú y (đang trình Quốc hội xem xét) có riêng điều khoản quy định động vật phải được đối xử nhân đạo, không sử dụng các hành vi gây đau đớn, tàn bạo đối với động vật trong quá trình nuôi dưỡng, nghiên cứu khoa học và khi giết mổ. 

Ông Nguyễn Văn Tình - Chủ tịch UBND xã  Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang):Giết mổ kín đáo để không gây sốc

 “Nếu nói dùng búa đập vào đầu hay bắt gây mê rồi cắt tiết thì vẫn là phương pháp làm cho con vật chết. Ở nhiều nước, những người  theo đạo họ không sát sinh, thấy sát sinh là tội lỗi. Ví như ở Thái Lan, nếu thịt chó là vi phạm pháp luật. Nếu  nghĩ rằng đập bằng búa là có tội, thì việc cắt cổ gia súc còn tội lỗi hơn. 

Thậm chí, nếu áp dụng các phương pháp khác mà kéo dài thời gian của con vật trước khi chết có khi còn làm cho nó đau đớn hơn, không nhân đạo bằng đập vào đầu. Vấn đề nằm ở chỗ là làm kín đáo để không gây sốc cho người khác và cho đàn động vật. Theo tôi, đây chỉ là quan điểm mà thôi, đằng nào cũng vẫn làm thịt con gia súc đó”.

 Phi Long