Ở tuổi 76, NSƯT Quốc Trụ vẫn khoe giọng hát khỏe khoắn, trầm ấm đầy chất nghệ thuật. Khi thì tâm trạng đau khổ trong “Aria Fiesco” (trích ca kịch “Simona Boccanegra” của nhà soạn nhạc J. Verdi, Ý); lúc thì ngọt ngào, trữ tình trong “Chiều hải cảng” (tác giả Salaview Xedoi); khi thì đầy cảm xúc trong “Hò kéo thuyền trên sông Volga” (cải biên dân ca Nga).
Quốc Trụ nói rằng khi đứng trên sân khấu, ông cảm thấy dạt dào cảm xúc, khát vọng biểu diễn lại tràn về mãnh liệt. Sở dĩ nói ông “khát vọng biểu diễn” bởi NSƯT Quốc Trụ dấn thân vào con đường nghệ thuật với ước mơ trở thành nghệ sĩ biểu diễn. Ông là một trong những nghệ sĩ opera đầu tiên của Việt Nam, có đủ các yếu tố để tỏa sáng như chất giọng, ngoại hình và niềm say mê. Nhưng sau 7 năm du học thanh nhạc ở Bulgaria, ông chấp nhận lui về làm công tác giảng dạy. Ông là người sáng lập ra Khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP HCM từ năm 1976 và giữ chức trưởng khoa lâu nhất (25 năm, từ năm 1976 đến 2001). Đến với công việc này như một “hôn nhân không tình yêu” (theo cách nói của nhà báo Cát Vũ) nhưng ông chưa bao giờ hối tiếc. “Đúng là ban đầu, tôi không có tình yêu nhưng người Việt mình sống với nhau không có tình cũng có cái nghĩa, sống lâu từ cái nghĩa sẽ sinh ra cái tình. Nếu cho tôi làm lại từ đầu, tôi vẫn thích làm một nghệ sĩ đứng trên sàn diễn. Tuy vậy, tôi không hối hận bởi tôi đã làm tốt công việc của mình” - NSƯT Quốc Trụ nhấn mạnh.
Ông đã làm tốt công việc của mình khi trong thời gian làm trưởng Khoa Thanh nhạc tại Nhạc viện TP HCM, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò thành công. Từ những ca sĩ như NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Tạ Minh Tâm, Cao Minh, Nam Khánh, Mỹ Tâm, Hiền Thục... đến những thạc sĩ thanh nhạc như Khánh Trang, Ngọc Thúy, Ngô Công Lâm... và rất nhiều học trò ưu tú khác đang có đóng góp cho đời sống âm nhạc cả nước. Đó là thành quả ghi nhận tài năng, nhiệt huyết trong vai trò giảng viên của ông.
Chính vì vậy, đêm nhạc đặc biệt này là cuộc hội ngộ của các học trò nhiều thế hệ: NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Bùi Duy Tân, Cao Minh, Quốc Việt, Quốc Dũng; thạc sĩ Khánh Trang, Phạm Trang, Ngọc Thúy, Ngô Công Lâm (hiện đang là giảng viên Khoa Thanh nhạc tại nhạc viện) tham gia chương trình như là lời cảm ơn và chúc mừng đêm nhạc của thầy. Có 2 điều đặc biệt khiến NSƯT Quốc Trụ cảm thấy hạnh phúc nhất chính là người học trò lớn tuổi nhất của ông: NSƯT Bùi Duy Tân (năm nay 73 tuổi) cũng có mặt và sự tham gia của 2 thế hệ: cha và con hoặc mẹ và con, đều là những học trò của ông.
Đêm nhạc không chỉ có tiếng hát mà khán phòng còn ấm hơn bởi những lời chia sẻ chân tình, những kỷ niệm buồn vui của các học trò với người thầy. NSƯT Quốc Trụ nhìn thấy những lớp học trò của mình trưởng thành; thấy được tình, những lời cảm ơn chân thành, tri ân sâu sắc trong nghĩa thầy trò khiến ông rưng rưng. “Đêm nay là thời khắc tôi cảm thấy sung sướng, rất là sung sướng, sung sướng nhất cuộc đời. Phần thưởng cao quý của tôi không phải là hào quang của nghề mà chính là những người học trò này”.