Dân Việt

Nghị định 41 khơi dòng vốn

16/11/2010 08:06 GMT+7
(Dân VIệt) - “Thực hiện Nghị quyết tam nông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về tín dụng nông thôn. Đây được coi là một “liều thuốc” để nông thôn giải cơn khát vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói.

img

Nguồn vốn đổ về nông thôn lớn sẽ giúp khu vực này phát triển. (Ảnh chụp tại Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Lê Hữu Thọ

Ông đánh giá như thế nào về Nghị định 41?

- Có thể khẳng định sự ra đời của Nghị định 41 là bước cụ thể hoá Nghị quyết tam nông và có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Nghị định 41 ra đời là để góp phần thực hiện chính sách tam nông, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn.

Bước đầu Nghị định đã có một số tác động nhất định, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối vẫn là người bạn lớn của nông dân và đi tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31-8-2010, dư nợ cho vay trên địa bàn 11 xã thí điểm nông thôn mới đạt 489 tỷ đồng với 18.900 hộ dân, 16 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã đang còn dư nợ, tăng 41% so với thời điểm 31-12-2009. Trong đó cho vay trung, dài hạn chiếm 41%, cho vay ngắn hạn chiếm 59%.

Riêng Agribank, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn đã chiếm khoảng 70% tổng dư nợ cho vay đối với toàn bộ nền kinh tế. Sự gia tăng dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua thể hiện Nghị định 41 đã đi vào cuộc sống và đã có tác dụng tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 41, nhưng nhìn chung việc giải ngân nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định mà nổi cộm nhất là thủ tục cho vay còn phức tạp. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Khó khăn chủ yếu ở đây do sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Trong bối cảnh chưa có nhiều hình thức bảo hiểm rủi ro đối với nông nghiệp, đầu tư tín dụng cho nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Mặt bằng dân trí của người nông dân chưa cao và chưa đồng đều ở các vùng miền, điều kiện sản xuất còn lạc hậu, manh mún là những rào cản trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.

Không những thế, công tác định hướng, quy hoạch, kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, vấn đề thông tin thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp vừa thiếu vừa chưa minh bạch dẫn đến sản xuất tự phát của người nông dân, sản phẩm không tiêu thụ được. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân cũng như chất lượng tín dụng đầu tư của ngân hàng vào nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định 41 quy định nhiều ưu đãi như hạn mức tín dụng được tăng lên, nhưng thực tế các ngân hàng lại không có đủ vốn để cho vay. Giải quyết vấn đề này, chúng ta phải có biện pháp gì, thưa ông?

- Nhu cầu vốn trong nông nghiệp, nông thôn là khá lớn tuy nhiên việc huy động nguồn vốn tại chỗ ở nông thôn còn hạn chế. Hơn nữa, chi phí cho vay đối với tam nông cao hơn thành thị, vì vậy chưa thực sự khuyến khích được các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.

Mặc dù vậy, chúng ta tin chắc rằng, việc triển khai Nghị định 41 gắn với thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Chính phủ và triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo nên sự cộng hưởng trong quá trình phát triển của nông thôn Việt Nam; đẩy nhanh việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đình Tài - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn quản lý và đào tạo DN (Bộ KH&ĐT):

Cho nông dân góp cổ phần bằng đất

Hiện vùng nguyên liệu đầu tư cho nông thôn rất bí, đặc biệt là nông nghiệp chế biến nông lâm sản. Đất đai cho doanh nghiệp không có, thu gom rất khó. Nông dân nhiều nơi không muốn mất đất. Chúng tôi khảo sát rất nhiều tỉnh thấy nông dân bỏ đất hoang nhưng lại không muốn chuyển nhượng đất đó. Do vậy, Nghị định 41 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tam nông lần này hướng cho nông dân góp đất, nông dân có thể làm cổ đông trong các DN, như vậy họ không mất đất. Đối với các doanh nghiệp, vấn đề lớn nhất hiện nay là hỗ trợ kinh phí để đầu tư về nông nghiệp, nông thôn như thế nào về vấn đề này. Hiện Bộ KH&ĐT đã có những quy định về kinh phí hỗ trợ từ ngân sách như đào tạo, khoa học công nghệ... DN siêu nhỏ (10 người) sẽ được hỗ trợ 100% tiền đào tạo; DN nhỏ (100 người) hỗ trợ 50%... những quy định này đã nói rất kỹ rồi. Hỗ trợ về công nghệ thì có quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ.