Dân Việt

Quản lý hành nghề y dược tư nhân: Quá nhiều lỗ hổng chết người

Diệu Linh 05/11/2013 13:19 GMT+7
Vụ việc “gây chết người vứt xác” tại cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường đã để lộ nhiều khoảng trống trong quản lý hành nghề y dược tư nhân.
Đó là nhận định từ Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân” mà Bộ Y tế tổ chức ngày 4.11?với sự tham dự của đại diện 63 sở y tế.

Đợi 2 năm mới đến lượt kiểm tra

Ông Bùi Minh Trạng – Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, với đội ngũ thanh tra và tốc độ kiểm tra như hiện nay thì có cơ sở y dược tư nhân phải chờ 2 năm mới được… sờ tới.

Phân tích cụ thể, ông Trạng cho biết, hiện nay, đội ngũ thanh tra của Sở Y tế TP.HCM chỉ có 45 người, trong đó lực lượng thanh tra viên y dược tư nhân có 18 người. Nhưng toàn thành phố có tới hơn 13.000 cơ sở y dược tư nhân hoạt động (chiếm 19% số cơ sở y dược tư trên toàn quốc). Nếu huy động toàn lực lượng và kiểm tra ráo riết, tích cực thì mỗi năm cũng chỉ kiểm tra được tối đa 50% số cơ sở đó. Để quay vòng lại kiểm tra lần 2 thì có cơ sở phải đợi… 2 năm.

Xét nghiệm máu tại Bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc, Hà Nội (ảnh minh hoạ).
Xét nghiệm máu tại Bệnh viện tư nhân Tràng An, Hà Nội (ảnh minh hoạ).

Trong khi đó, các sai phạm ở các cơ sở y tế tư nhân là rất nhiều. Chỉ trong vòng 10 tháng, 10 đoàn kiểm tra của Sở đã kiểm tra và xử phạt 606 cơ sở.

Đại diện phòng y tế quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cũng chia sẻ, trên địa bàn quận có 58 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, nhưng trong lần kiểm tra gần đây đã phát hiện 15 cơ sở vi phạm.

Theo TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện cả nước có 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế, hơn 35.000 nhà thuốc tư nhân. Đội ngũ y bác sĩ tham gia vào hành nghề y tư nhân cũng khá hùng hậu với gần 250.000 người, trong đó bác sĩ là gần 65.000.

Trong khi phòng khám tư “len lỏi” xuống tận xã, phường thì lực lượng thanh tra y tế chỉ ở trên cao (chỉ có cấp tỉnh và T.Ư). Đội ngũ thanh tra y tế toàn quốc cũng rất mỏng manh, chỉ có 290 người. Trừ TP.HCM có 45 và Hà Nội có 14 thanh tra, các sở y tế còn lại chỉ có từ 2-4 thanh tra. Thanh tra y tế cũng kiêm nhiệm đủ các lĩnh vực, trong đó việc “kham” hơn 30.000 cơ sở khám bệnh tư và hơn 35.000 nhà thuốc chỉ là “một phần công việc”.

Nhiều lỗ hổng

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cũng nhận định, việc nhiều, lực lượng mỏng, trình độ cán bộ không đồng đều nên việc thanh tra các cơ sở y tế tư nhân chưa đạt được hiệu quả cao... Hơn nữa, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều đối tượng được thanh tra còn chưa tốt, cố tình lách luật, vi phạm luật vì mục đích thu lợi…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế giải quyết 12 việc trước mắt. Theo đó, Bộ Y tế cần gấp rút hoàn thành và ban hành các văn bản về xử phạt; quy định chặt chẽ về quảng cáo; xếp loại cơ sở y tế tư nhân; rà soát phân cấp quản lý; tăng cường bộ máy thanh tra; nâng cao y đức… 5 thành phố trực thuộc T.Ư – các địa phương có nhiều cơ sở y tế tư nhân - sẽ làm điểm để quản lý cho tốt.

Việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề cũng phân cấp cho nhiều nơi. Không ít trường hợp như Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) đã “lọt lưới” thanh tra. TS Khuê cho biết, lỗi phổ biến mà các cơ sở y tế tư thường mắc là quảng cáo quá phép, chỉ được phép làm một số kỹ thuật đơn giản như xăm mắt, xăm môi nhưng quảng cáo là làm đẹp vĩnh viễn, toàn bộ... Phòng khám chỉ được xét nghiệm máu nhưng nói mình làm được xét nghiệm tế bào, xét nghiệm gen.

Hiện nay, cũng chưa có văn bản nào quy định về việc các bác sĩ làm việc tại các bệnh viện công lập phải báo cáo cơ quan về các công việc làm thêm ngoài giờ hành chính, về cơ sở khám tư. Vì thế, khi có các tai biến y khoa tại phòng khám tư do nhân viên mình làm ra, hầu như lãnh đạo các bệnh viện đều ngơ ngác “không biết”.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải có quy định yêu cầu các bác sĩ phải báo cáo bệnh viện về các phòng khám tư của mình, về lĩnh vực khám chữa bệnh mình phụ trách. Như vậy, có thể sẽ kiểm soát được chất lượng tốt hơn, các bác sĩ không dám làm bậy, đồng thời cần cam kết “tuân thủ quy định của pháp luật”, mẫu mực về y đức để giữ gìn hình ảnh của mình và của cả bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, chỉ quản lý cơ sở y tế tư nhân chưa đủ. Hiện nay, rất nhiều cơ sở y dược tư nhân “ảo” đang hành nghề trái phép trên mạng lưới Internet. Các cơ sở này quảng cáo bán thuốc và các trang thiết bị y tế, tư vấn khám chữa bệnh một cách tràn lan, bát nháo. Nhưng khi cán bộ thanh tra tìm đến tận nơi thì không tìm được cá nhân nào chịu trách nhiệm.