Dân Việt

Hôn nhân đồng giới: Được gì và mất gì?

Dương Tùng 29/06/2015 19:00 GMT+7
"Có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới?" từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi chưa có hồi kết trong xã hội.
Tòa án tối cao Mỹ đã quyết định công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia này từ ngày 26.6.2015. Sự kiện này nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bên cạnh những người ủng hộ, vẫn còn những ý kiến nghi ngờ về lợi ích, tác hại của hôn nhân đồng giới.

Được gì từ hôn nhân đồng giới?

Bà Nguyễn Hồng Mai – nguyên giảng viên bộ môn Văn hóa gia đình của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, trước Mỹ, nhiều quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng giới. Sự kiện ngày 26.6 ở Mỹ càng củng cố thêm nhận định của bà: “Công nhận hôn nhân đồng giới là xu hướng của thế giới, chỉ có điều là quốc gia nào làm nhanh, quốc gia nào làm chậm mà thôi”.

Bà Mai cũng cho rằng, nếu công nhận hôn nhân đồng giới, con người được sống thoải mái, hạnh phúc thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

img
Một cặp đôi ăn mừng sau khi Mỹ công nhận hôn nhân đồng tính 

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thu Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới mang lại cho từng cá nhân cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung.

Các cá nhân có cảm nhận về mối quan hệ đồng tính là thực tế, có trách nhiệm và tăng tính cam kết, nỗ lực đầu tư cho cuộc sống chung. Do đó làm tăng chất lượng cuộc sống, chất lượng mối quan hệ giữa hai cá thể trong xã hội

Bên cạnh đó, quan sát ở các nước Bắc Âu cho thấy, sau khi thông qua luật cho phép đăng ký chung sống, sự gắn bó của các cá nhân có tính lâu dài khi đăng kí sống chung đồng nghĩa với sự cam kết hành vi chung thủy. Từ đó giảm lây truyền các bệnh qua đường tình dục.

Theo nghiên cứu của TS. Nam, sau 5 năm kể từ khi luật kết hôn đồng giới thông qua tại Canada, nghiên cứu trên một nhóm quần thể đăng ký kết hôn đầu tiên cũng chỉ ra các cặp đôi này có chỉ số thỏa mãn với cuộc sống chung tăng lên, lòng tự tin tăng lên và tự kỳ thị giảm đáng kể.

Đối với bố mẹ người đồng tính, họ sẽ có được sự giải tỏa tâm lý khi biết con mình có cơ hội tiến tới hôn nhân và cuộc sống gia đình như những người khác trong xã hội.

Sự thừa nhận của pháp luật về chung sống có đăng ký hoặc hôn nhân đồng giới sẽ giúp giảm bớt áp lực xã hội lên bố mẹ, giảm căng thẳng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Theo TS Nguyễn Thu Nam, mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa các thế hệ gia đình là môi trường tích cực cho sự phát triển tâm lý của tất cả các thành viên. Điều này giúp tránh được những hậu quả đáng tiếc khi mối quan hệ cha mẹ và con cái đổ vỡ như việc trẻ phải bỏ nhà đi, hay các vấn đề sức khỏe tâm trí của bố mẹ.

img Trong Lễ hội đồng tính ở San Francisco (Mỹ), Berit Sandrig cùng bạn trai tham dự lễ hội. Cô gái nóng bỏng này cho biết: “Tôi không phải là les. Tôi tới đây ủng hộ quyền tự do kết hôn của người đồng tính".


“Không lo ngại trào lưu đồng tính”

Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về thái độ xã hội với người đồng tính cho thấy, xã hội vẫn còn e ngại hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới có thể ảnh hưởng đến xã hội.

Cụ thể, các mối lo như hôn nhân đồng giới làm suy giảm dân số do số lượng kết hôn đồng giới sẽ tăng liên tục và những cặp đồng tính không thể sinh con. Hoặc kết hôn là để tạo lập gia đình và gia đình phải đảm bảo chức năng nuôi dưỡng và xã hội hóa trẻ em, nhưng các cặp đồng tính không thể đảm đương vai trò này...

Tuy nhiên, nghiên cứu của TS. Nguyễn Thu Nam cho thấy, quan ngại về sự diệt vong của xã hội nếu công nhận hôn nhân đồng giới không có cơ sở.

Bởi tình trạng này chỉ xảy ra khi toàn bộ dân số trong xã hội là người đồng tính và họ lựa kết hôn nhưng không sinh đẻ. Thống kê từ các nước thừa nhận hôn nhân đồng tính cho thấy, dân số các nước vẫn giữ ở mức ổn định.

Bà Nguyễn Hồng Mai cũng cho rằng, người đồng tính chiếm 3-5% dân số, dù họ không sinh con thì cũng không ảnh hưởng dân số.

Theo bà Mai, các nước đã công nhận hôn nhân đồng giới như Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Canada... vẫn đang phát triển ổn định.

Bà Nguyễn Hồng Mai cũng cho rằng, trong xã hội Việt Nam còn quan niệm rằng, nếu công nhận kết hôn đồng tính thì có thể thành “trào lưu đồng tính”.

“Tuy nhiên, nên nhớ rằng đồng tính thuộc về tự nhiên của con người, không phải là bệnh mà có thể lây nhiễm. Nếu có anh nào đó đua đòi học theo chăng nữa, sớm muộn cũng phải về bản chất thật của mình”, bà Mai cho hay.

Ông Lê Quang Bình - Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết, khi cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) Việt Nam chia vui cùng cộng đồng LGBT Mỹ trong sự kiện ngày 26.6, đã có rất nhiều người không phải LGBT tham gia, ủng hộ.

Bản thân xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi và ngày càng có nhiều người ủng hộ cộng đồng LGBT. Đối với họ, đây chính là ủng hộ các giá trị bình đẳng, yêu thương và không phân biệt đối xử.