Một đời cho tình yêu
Tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh vào sáng 29.6 quả thực rất sốc với nhiều người. Bởi cách đây hơn 1 tuần, trên Chương trình “Tiếng hát mãi xanh” của kênh HTV9, ông vẫn ngồi ghế giám khảo, vẫn đưa ra những lời nhận xét dí dỏm, hóm hỉnh khiến khán giả cười nắc nẻ. Ít ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoài yêu đời ấy, suốt nhiều năm nay, ông đã phải chiến đấu với rất nhiều bệnh tật.
Tháng 11 năm ngoái, trước liveshow “Cuộc đời vẫn đẹp sao” mừng thọ tuổi 90, ông đã dành cho tôi một cuộc phỏng vấn thật dài, thật đặc biệt. Hai bác cháu đã cùng nhau trò chuyện rất nhiều về chuyện đời và về tình yêu- một đề tài lớn trong âm nhạc của ông. Khi ấy, sức khỏe ông đã rất yếu, hàng ngày phải tuân thủ chế độ thuốc men đặc biệt, nhưng ông không một lời thở than, vẫn trào lộng, vẫn thiết tha yêu quý cuộc đời.
Nhạc sĩ có tài như ông rất hiếm, nhạc sĩ có tài mà lại có lòng với cuộc đời như ông càng hiếm hơn. Ai tưởng tượng được một nhạc sĩ tài danh như ông mà lại tận tình và chu đáo với tất thảy mọi người như vậy. Chúng tôi, cánh phóng viên văn nghệ, từ lúc non nớt háo hức mới vào nghề cho đến lúc bắt đầu có cảm giác lãng đãng và nhàm chán, lúc nào cũng có ông như một chỗ dựa. Có vấn đề gì nóng của đời sống âm nhạc, tìm đến ông, ông không bao giờ từ chối. Cần hỏi gì về những chuyện xa lắc xa lơ của làng nghệ sĩ, cứ hỏi ông, ông trả lời tận tình.
Một người nhạc sĩ tài danh ở tuổi 91, bệnh tật đầy mình, mắc mớ gì mà phải lên truyền hình ngồi ghế giám khảo cho thêm bận vào thân, nhưng ông vẫn đồng ý với mọi lời mời, bởi vì tấm lòng của ông rộng lớn lắm. Ông yêu thương cuộc đời, ông yêu thương con người. Đã hơn một lần ông nói với tôi: “Bác không bao giờ từ chối một ai cả.
Cuộc đời bác, bác dành cho tất cả mọi người, giúp được ai cái gì là giúp. Không gì đẹp hơn là chúng ta sống ở trên đời, yêu thương nhau, giúp được cho nhau. Người này giúp người kia. Cô công nhân quét đường cho sạch, còn bác viết nhạc để mọi người hát và yêu nhau hơn, hai công việc ấy như nhau, chẳng ai có quyền so sánh nghề nào cao quý hơn đâu cháu ạ”.
Chỉ tình yêu ở lại
Trong thế hệ những nhạc sĩ lão thành của nền tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Thuận Yến có khá nhiều nét tương đồng. Cả hai ông đều quê ở Khu 5, đều nổi tiếng với các bài tình ca và đều không ngại… phổ nhạc cho thơ. Nhấn mạnh điều này là bởi trong làng nhạc, có những nhạc sĩ có cá tính riêng, như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao… hầu như cả đời không bao giờ phổ nhạc cho một bài thơ nào cả.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là “ông hoàng phổ nhạc cho thơ”, những bài thơ nổi tiếng như “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu” của nhà thơ Xuân Quỳnh, “Anh ở đầu sông em cuối sông” của nhà thơ Hoài Vũ, “Bóng cây Kơ-nia” của nhà thơ Ngọc Anh, “Hành khúc ngày và đêm” của nhà thơ Bùi Công Minh, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của nhà thơ Dương Hương Ly, “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhà thơ Trần Hoài Thu… qua âm nhạc của ông đã có thêm một đời sống khác.
Tôi vẫn luôn tin rằng, mỗi người khi sinh ra trên đời đều được Thượng đế giao cho một sứ mệnh nào đó, có người làm nên một sự nghiệp lẫy lừng song cũng có người chỉ để sống một cuộc đời bình lặng. Còn ông, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu- cánh chim vàng của làng âm nhạc Việt Nam được Thượng đế gửi đến cuộc đời này để đem tới những bản tình ca ngợi ca tình yêu và cái đẹp.
Có lần ông tâm sự: “Tôi thích thơ Xuân Quỳnh bởi nó giàu nữ tính, hình ảnh đẹp. Tôi phổ bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” của cô ấy mà thấy như lời thơ đang nói hộ lòng mình, cái nỗi man mác khi thấy “Cuối trời mây trắng bay/lá vàng thưa thớt quá”. Và cái kết bài thơ “Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại”, tôi cho rằng đó là một tuyên ngôn nghệ sĩ đẹp nhất. Thế gian này, mọi thứ rồi sẽ tan biến hết, nhưng tình yêu thì vô tận, tình yêu là thứ đẹp nhất, duy nhất còn ở lại”.