Dân Việt

Hai lần chịu ơn Bệnh viện "Nhà thương" Vân Đình

Công Sinh 30/06/2015 09:23 GMT+7
Đối với người dân Ứng Hòa quê tôi, Nhà thương Vân Đình, nay là Bệnh viện đa khoa Vân Đình thuộc sở Y tế Hà Nội luôn là cái tên gần gũi thân thương và là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh. Vì Nhà thương đã có thời gian dài là lá cờ đầu của ngành Y tế miền Bắc. Và với gia đình tôi, Bệnh viện - Nhà thương Vân Đình còn để lại những dấu ấn, sự tri ân đặc biệt.
Năm 1963, Bác Hồ đã về thăm và đặt tên cho Bệnh xá Vân Đình khi đó là "Nhà thương Vân Đình" để ghi nhận tấm lòng thương yêu người bệnh của các thầy thuốc nơi đây. Phát huy, giữ vững thành tích, năm 1985 Bệnh viện tiếp tục được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động.
img
(Ảnh: Công Sinh)
Những thành tích của Nhà thương Vân Đình trước đây gắn liền với tên tuổi Bác sỹ Nguyễn Khắc Thuật - Giám đốc Bệnh viện. Ông là người thầy thuốc trưởng thành từ một y sỹ trong Quân đội, bằng tài năng và y đức nên đã cứu chữa thành công hàng ngàn ca bệnh nặng cho người dân trong vùng. Mẹ tôi cũng đã nhiều lần kể cho chúng tôi nghe việc Bác sỹ Thuật cứu sống anh trai tôi khi mới 2 tuổi.
 
Ngày đó (năm 1962), anh trai thứ 2 của tôi bị viêm phế quản cấp tính, được trạm xá xã cho uống thuốc nhưng bệnh tiến triển ngày càng nặng và có biểu hiện phù phổi cấp, khó thở, người tím tái. Mẹ tôi vội ôm con ngồi sau xe đạp nhờ người đưa xuống Nhà thương Vân Đình. Lúc đến Nhà thương, trời đã tối, bệnh nhi trong tình trạng đờ đẫn, thoi thóp, "mười phần chết chín". Các thầy thuốc đã về nghỉ, may mà bác sỹ Thuật vẫn còn ở lại và kịp thời có mặt. Nhờ sự cấp cứu kịp thời và các thao tác chuẩn xác nên da anh tôi hồng trở lại, dần qua cơn khó thở và mấy ngày sau đã khỏi bệnh ra viện. Câu chuyện này được mẹ tôi kể đi kể lại hàng trăm lần, với sự kính trọng đặc biệt dành cho bác sỹ Thuật và các thầy thuốc Nhà thương Vân Đình. Tình cảm của mẹ tôi và nhiều người dân dành cho bác sỹ Thuật đã in đậm trong tâm trí tôi. Sau này lớn lên, đi bộ đội xa nhà tôi vẫn để tâm theo dõi sự phát triển của Bệnh viện - Nhà thương Vân Đình.

Mới đây, bố tôi tuổi cao bệnh trọng, bị khó thở, hôn mê sâu, gia đình đưa vào một bệnh viện loại A tại Hà Nội cấp cứu lúc 5h00 sáng. Do bệnh nhân đông, bố tôi chỉ được các bác sỹ đặt nội khí quản, cho thở o- xy và nằm chờ theo dõi. Lâu lâu mới có y, bác sỹ đến xem mạch, huyết áp. Chờ đến 10h00 không thấy bệnh tình chuyển biến nên tôi hỏi bác sỹ và được khuyên là do cụ đã tuổi cao (82 tuổi), bị trọng bệnh nên khó qua khỏi, gia đình cho ông về quê có thể vẫn kịp. Nghe vậy, chúng tôi vội thuê xe cấp cứu đưa bố kịp về với quê hương, bản quán. Ở quê được 1 ngày, mọi người thay nhau ngồi trực bóp bóng cho bố tôi thở ô-xy. Cảm nhận thấy bệnh tình của bố chưa hết hy vọng, anh em tôi lại quyết định đưa ông xuống Bệnh viện Vân Đình cách nhà chỉ 5 km để cứu chữa với tinh thần "còn nước còn tát".

Mặc dù là ngày nghỉ chủ nhật nhưng ngay khi tới viện, bố tôi đã được đón vào khoa Hồi sức cấp cứu. Tại đây các thầy thuốc khẩn trương thăm khám, cấp cứu, làm các xét nghiệm siêu âm, chụp x-quang, chụp Citi- scanner, xét nghiệm máu và chỉ sau 1 tiếng 30 phút đã có kết quả chẩn đoán là tràn dịch màng phổi, bệnh nhân viêm phổi trái. Rất nhanh, các thầy thuốc khoa Hồi sức cấp cứu đã vào cuộc, cứu chữa. Sau khi hút 1,5 lít dịch ra khỏi phổi và cho thở ôxy, bố tôi đã tỉnh lại. Bác sỹ Khương, người chỉ huy kíp trực hôm đó cho hay vừa qua bố tôi bị hôn mê sâu vì thiếu ôxy não nghiêm trọng do viêm phổi, có tràn dịch màng phổi. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực bằng kháng sinh, truyền máu, truyền dịch, bố tôi đã ổn định, tỉnh táo và dần hồi phục.

Hơn 2 tháng qua, tuy vẫn cần có sự thăm khám sức khoẻ nhưng bố tôi rất vui được găp lại người thân, được xem seagam 28 qua tivi, nhất là được chứng kiến vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 huy chương Vàng  tại seagam 28 và nhiều trận thắng tưng bừng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, những thứ ông vẫn luôn đam mê theo dõi.

img
Các Bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đang chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân. (Ảnh: CS)

 

Hai sự việc diễn ra cách xa nhau hơn 50 năm nhưng đều có điểm chung là người thân gia đình tôi đã được các thầy thuốc Bệnh viện - Nhà thương Vân Đình cứu sống trong gang tấc, nhờ vào sự tận tình và tài năng của đội ngũ thầy thuốc nơi đây. Họ đã đặt tính mạng và sức khỏe người bệnh lên trên hết, cứu chữa vô điều kiện. Những ngày trực tiếp trông nom bố ở Bệnh viện, tôi  còn được chứng kiến các thầy thuốc cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo như đuối nước, đột quỵ, suy tim, đa chấn thương...

Điều tôi nhận thấy là trong lúc các bệnh viện Trung ương đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân, dẫn đến những sơ suất, chậm trễ trong cấp cứu, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh (như trường hợp của bố tôi vừa qua), thì việc Bệnh viện - Nhà thương Vân Đình, một bệnh viện đa khoa tuyến huyện bằng chuyên môn vững và cái tâm trong sáng đã khẳng định được năng lực và uy tín của mình như vậy có thể coi là một hướng đi đúng, một tín hiệu đáng mừng của ngành y.

Là một bạn đọc thường xuyên của báo Dân Việt điện tử, tôi xin được bày tỏ và gửi lời tri ân tới các thầy thuốc Bệnh viện - Nhà thương Vân Đình, những người luôn làm theo đúng lời Bác Hồ dạy "thầy thuốc như mẹ hiền".