Dân Việt

Kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ: “Củng cố lòng tin nhanh hơn nữa”

Đăng Thuý (thực hiện) 01/07/2015 08:14 GMT+7
“Quan hệ Việt- Mỹ đang bước đến giai đoạn quan hệ nhân dân. Bình thường hoá hoàn toàn nghĩa là mỗi người dân Việt Nam, mỗi người dân Mỹ không còn ám ảnh bởi quá khứ chiến tranh”- ông Nguyễn Tâm Chiến - Chủ tịch Hội Việt- Mỹ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhận định.

Thưa ông, quan hệ Việt – Mỹ đã bước qua giai đoạn 20 năm bình thường hoá với nhiều thành tựu tốt đẹp đã đạt được, nhưng phía Mỹ vẫn cho rằng, còn có sự khác biệt và họ lấy điều đó để đặt điều kiện đối với Việt Nam trong những đàm phán quan trọng. Là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ trong thời gian dài nhất, quan điểm của ông về những cái được gọi là “sự khác biệt” như thế nào?

img
Đại diện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - bà Claire Pierangelo giới thiệu Logo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt -Mỹ. Ảnh:  I.T
- Tôi cho rằng, không có quốc gia nào trên thế giới giống nhau, điều quan trọng là cách ứng xử của mỗi bên đối với những cái khác nhau đó. Và cách tiếp cận của tôi là cách tiếp cận hiện thực nên tôi cho rằng sự khác biệt là điều bình thường. Ví dụ như vấn đề nhân quyền, những giá trị chung cả loài người, nước Mỹ cũng phải chấp nhận điều kiện của con người sinh sống trong những điều kiện khác nhau về vật chất, tinh thần, tư duy, truyền thống, phong tục tập quán, hay tôn giáo…

 

Đã là bạn, là đối tác toàn diện, chúng ta ngồi với nhau hoà bình để cùng giải quyết, hãy làm đơn giản hoá các vấn đề để tìm tiếng nói chung. Chúng ta đừng mơ rằng một ngày nào đó không có vấn đề. Không có một mối quan hệ quốc tế nào trên thế giới mà không có vấn đề cả, quan trọng là chúng ta xử lý những vấn đề đó với cách thức nào thôi.

Tôi phải nói thẳng rằng, với những người bạn Mỹ, họ rất thực dụng và cụ thể. Trong bất cứ vấn đề nào, họ cũng tính đến lợi ích của nước Mỹ, và tất nhiên chúng ta cũng vậy, cũng đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, nhưng lợi ích của nước Mỹ không giống với lợi ích của chúng ta, bởi vậy chúng ta phải tìm kiếm những lợi ích song trùng để cùng hợp tác.

Trong thế giới siêu phẳng này, lợi ích các nước phụ thuộc nhau chứ không cứ phải là nước nhỏ phụ thuộc nước lớn. Không ai nghĩ rằng, cũng có lúc, người Mỹ cần đến những mặt hàng nông sản của Việt Nam. Chúng ta cũng có những thế mạnh và chúng ta phải khôn khéo khai thác chúng.

Thời kỳ ông làm Đại sứ, những điều gì về quan hệ 2 nước khiến ông nhớ mãi?

- Tôi nhớ lại thời kỳ làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2001-2008), đó là quãng thời gian rất vinh dự, nhưng cũng rất vất vả, bởi xảy ra quá nhiều vấn đề như Hiệp định thương mại Việt- Mỹ bắt đầu có hiệu lực, đàm phán chống bán phá giá cá basa, vụ khủng bố 11.9, khác nhau về nhân quyền, thức bao đêm trắng đàm phán WTO… Đó là thời kỳ rất quan trọng.

Nhưng nhìn chung, từ thời điểm đó đến nay, quan hệ Việt- Mỹ đang đi lên. Có ý kiến cho rằng quá trình này là quá nhanh, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quá trình này quá chậm, nhưng quan điểm của tôi là quan hệ Việt- Mỹ phát triển với tốc độ bình thường.

Điều tôi trăn trở là đáng lẽ ra lòng tin phải được củng cố nhiều hơn, nhanh hơn. Đáng ra, nỗ lực của phía Mỹ để thông hiểu hơn những lợi ích chính đáng, những khát vọng của Việt Nam phải nhiều hơn và nhanh hơn, hay những nỗ lực của Mỹ trong các vấn đề da cam, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh phải tích cực hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu hiểu được những vấn đề như thế thì quan hệ Việt- Mỹ còn phát triển sớm hơn và nhanh hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không ai làm lại được lịch sử, chúng ta chỉ có thể hy vọng về tương lai, 2 nước sẽ phát triển hơn, phù hợp mong muốn của nhân dân hai bên, lợi ích hai bên.

Quan hệ Việt- Mỹ như ngày hôm nay là rất đáng mừng, nhưng lịch sử cho thấy nước Mỹ đã từng có những thoả thuận sau lưng chúng ta, khiến Việt Nam bị tổn hại. Nay, những lo ngại đó vẫn còn, phải chăng niềm tin về mối quan hệ Mỹ- Việt là chưa đủ?

-Tôi cho rằng, sự hiểu biết giữa hai dân tộc mới tạo ra lòng tin, nhưng lòng tin không chỉ có ở lời nói. Như bất kỳ một mối quan hệ quốc tế nào, quan hệ Việt- Mỹ cũng có những lĩnh vực đặc thù, tuy nhiên, khi đã ở mức đối tác toàn diện thì tất cả các vấn đề đều cần phải đẩy lên, như chúng ta vẫn hay nói quan hệ Việt Mỹ đã phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, đều bao hàm thêm nhiều lĩnh vực khác nhau với hiệu quả thiết thực.

Mỹ có chiến lược toàn cầu, trong khi Việt Nam có lợi ích trải rộng trên toàn cầu, giữa hai nước có những lợi ích đan xen, hay còn gọi là lợi ích song trùng- đó cũng là yếu tố để Việt- Mỹ trở nên hợp tác nhiều hơn. Tôi cho rằng, hợp tác tăng lên, đáp ứng lợi ích của nhau hơn thì lòng tin sẽ tăng lên.

Hãy nhìn một cách thực tế, lợi ích của mỗi nước không giống nhau, nước lớn lợi ích lớn hơn. Trong quá trình phát triển sẽ có những xung đột lợi ích, khi giải quyết những vấn đề đó, các nước lớn thường tính đến lợi ích của họ trước, và sẽ xung đột với lợi ích của các nước nhỏ.

Đối với chúng ta, nếu có quan hệ tốt, và cách ứng xử phù hợp với lợi ích chung của toàn cục thì các nước lớn cũng phải chú ý đến lợi ích của các nước nhỏ trong quá trình tìm giải pháp cho các vấn đề, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề chủ quyền, vận mệnh của các nước, chứ không đơn giản là vấn đề đổi chác với nhau, nhất là khi nước nhỏ đó, dân tộc đó là dân tộc hiểu biết, khôn khéo và hiểu lợi ích, tình huống và vị trí của mình ở đâu.

Như ông nói Mỹ luôn tính đến lợi ích của họ trong tất cả các vấn đề. Và, thực tế thì Mỹ có lợi ích nhiều hơn với Trung Quốc. Liệu có lúc nào đó, Mỹ sẽ thay đổi chính sách đối ngoại của họ để bảo vệ cái lợi ích lớn đó, cụ thể như trong vấn đề Biển Đông chẳng hạn?

- Rất dễ hiểu rằng, nước lớn thì có lợi ích lớn hơn, quan hệ rộng lớn hơn. Với Mỹ đâu chỉ có lợi ích ở Biển Đông, khu vực Trung Đông, Đông Bắc Á, Triều Tiên… là những điểm hút sự quan tâm lợi ích của nước Mỹ. Còn với Trung Quốc, trong thế kỷ 21 này, mối quan hệ Mỹ- Trung là quan hệ mạnh mẽ nhất, nhưng Mỹ cũng còn nhiều lợi ích khác nữa. Có thể nói rằng, về đại chiến lược, Mỹ sẽ không thay đổi. Mỹ vẫn muốn là số 1 thế giới. Nhưng, về tiểu chiến lược, hay phương thức, công cụ để thực hiện chiến lược có thể thay đổi để bảo vệ cái lợi ích và mục đích của mình. Và tôi cho rằng, thay đổi công cụ cũng là chuyện bình thường.

Với Trung Quốc thì tôi nghĩ có cả hai mặt cả cạnh tranh và hợp tác, nhưng tôi cho rằng, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Đơn giản Mỹ là cường quốc số 1 đang tồn tại và Trung Quốc là cường quốc đang nổi lên để giành vị trí số 1 thì khả năng cạnh tranh là cao hơn cả.

Xin cảm ơn ông!

Chuyến đi đánh dấu bình thường hoá hoàn toàn

Nhận định về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến diễn ra đầu tháng 7, cựu Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, trong lịch sử quan hệ quốc tế, đây là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thứ 4 trên thế giới thăm Mỹ. Ông  nhận định: “Chuyến đi này về mặt lịch sử, cũng như mặt lợi ích đều đồng hành. Ngoài ra, về mặt chính trị quốc tế, nước Mỹ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước đi phản ánh cách tiếp cận của Mỹ là yếu tố ý thức hệ, yếu tố cộng sản hay tư sản họ để tồn tại song song... Theo tôi, chuyến đi của Tổng Bí thư là mốc đánh dấu bình thường hoá hoàn toàn chứ không phải là bình thường hoá đầy đủ như trước đây. Sau chuyến đi này sẽ không còn cản trở đáng kể nữa trong sự hợp tác để cả hai bên cùng có lợi. Chuyến đi sẽ phát triển mạnh, sâu và toàn diện hơn sự hợp tác”. 
Là người trải qua nhiều cuộc đàm phán với phía Mỹ, ông có thể đúc kết tính cách của người Mỹ qua những cuộc đàm phán đó như thế nào?

 Kinh nghiệm của tôi là đàm phán với Mỹ phải cụ thể, trình bày vấn đề rành mạch. Người Mỹ có câu: “nghĩ thì toàn cầu, nhưng làm thì những cái bên cạnh”. Đàm phán là quá trình đấu tranh về văn hoá, kinh tế, tư duy... vì họ mạnh hơn các đối tác nên họ vẫn hay có tiếng nói áp đảo, để ép đối phương. Người Mỹ đôi khi cũng dùng tiểu xảo, hay đánh lạc hướng, nên kinh nghiệm là mình phải đi vào những vấn đề cụ thể, song không quên bức tranh toàn cục”.