Một trong những đề tài được đánh giá cao trong thời gian gần đây là đề tài – Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi ở Lâm Đồng” do Công ty cổ phần Chè Minh Rồng thực hiện. Dự án được thực hiện tại 69 hộ nông dân trong vùng với tổng diện tích chè được đưa vào thực nghiệm là 50ha.
Kết quả đề tài nghiên cứu về cây bơ ghép được triển khai cho nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng. |
Theo kết quả nghiệm thu đề tài thì sau 2 năm thực hiện, vườn chè đã phát triển khá tốt và cho năng suất cao hơn hẳn so với trước; số lần phun thuốc trừ sâu giảm (còn chỉ 4 – 5 lần mỗi năm), số lượng lứa hái trong năm đã tăng lên (6 – 7 lứa), năng suất lao động tăng 4 – 6 lần…
Hội đồng Nghiệm thu đánh giá: “Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho 69 hộ nhận khoán tham gia mô hình là 4,394 tỷ đồng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chè búp chất lượng, an toàn để chế biến, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh là 1,266 tỷ đồng.
Kết quả triển khai ứng dụng một đề tài khoa học của Viện Hóa học về cây atisô ở Đà Lạt cũng đã được đánh giá khá cao là “Xây dựng công nghệ trích ly hợp chất có hoạt tính sinh học trong dược liệu atisô với hiệu suất cao”. Đề tài này là cơ sở để lựa chọn nguyên liệu từ cây atisô ứng dụng vào sản xuất các hoạt chất bằng nguồn dược liệu trong nước.
Cũng gần đây, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cà chua theo hướng nông nghiệp công nghệ cao” triển khai tại Đơn Dương đã mang lại kết quả: Năng suất tăng gấp 3 lần so với sản xuất truyền thống (đạt đến 250 tấn/ha).
V.K.D