Dân Việt

Câu chuyện từ một cái chết được báo trước

01/07/2015 14:30 GMT+7
Một cô bé 15 tuổi vừa mới đi ngang cuộc đời, còn bao nhiêu cái chết tức tưởi bởi mạng xã hội nữa? Một câu hỏi không thể trì hoãn lời đáp.
  

Cô bé ấy - một học sinh cấp II ở Đồng Nai - đã vội vã trốn chạy cuộc sống khi đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới,” cái tuổi mong manh, dễ vỡ nhất. 15 tuổi, làm sao có thể đòi hỏi các em phải có bản lĩnh khi đối diện với cú sốc lớn trong đời? Cô bé đã tìm đến cái chết chỉ hai ngày sau khi đoạn clip quay cảnh quan hệ giữa cô và bạn trai 21 tuổi bị chính anh chàng này tung lên mạng như một cách trả thù tình. Nhiều người đã lặng đi khi nghe chuyện. Thương cảm, trách móc, xót xa, phẫn nộ… mà làm gì, nếu không có biện pháp ngăn chặn.

Nhưng, ngăn chặn từ đâu và ngăn chặn bằng cách nào? Đó là một vấn đề khá gay go cho những nhà giáo dục, nhà tâm lý, xã hội học lẫn những nhà làm luật…

img
Ảnh minh họa
Gia đình ở đâu?

Nói một cách khuôn mẫu: gia đình là tế bào gốc xã hội, là nơi giúp hình thành nhân cách ban đầu của những đứa trẻ, là nơi giúp sửa chữa những sai lầm của con cái. Tuy nhiên, có bao nhiêu gia đình thực sự là cứ địa an toàn của trẻ? Bao nhiêu người biết đứa con gái vị thành niên của mình có quan hệ luyến ái với bạn trai để kịp thời khuyên nhủ thay vì chỉ trách móc, rầy la chì chiết?

Bao nhiêu người kịp thời che chở, bảo vệ cho đứa con bé bỏng - bằng công cụ pháp luật khi cần - để thêm yêu thương thay vì - làm tổn thương thêm cho trẻ bằng những miệt thị, rẻ rúng, lánh xa? Về phần con? Bao nhiêu bé gái được cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm sống trong giai đoạn chuẩn bị vào đời? Bao nhiêu bé gái có được cơ hội nói chuyện với cha mẹ khi mắc sai lầm? Bao nhiêu em sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ trước những tình huống bão giông? Có bao nhiêu bé gái mang thai nhiều tuần tuổi mà cha mẹ không hề biết?

Những câu hỏi tương tự cũng phải được đặt ra với gia đình của những chàng trai - vốn quen với ý nghĩ con trai thường không mất mát gì, nếu có cũng không nghiêm trọng. Trong câu chuyện này, người yêu của cô bé đang bị truy tố, hậu quả đối với gia đình và bản thân cậu thanh niên đó chắc chắn là không nhỏ.

Nhà trường ở đâu?

Vai trò giáo dục của nhà trường, trong đó có giáo dục giới tính, là điều không phải bàn cãi. Thế nhưng, giáo dục của nhà trường đã tụt hậu khá xa so với yêu cầu của thời đại công nghệ.

Các bậc phụ huynh, nhất là những người lớn tuổi hoặc ở nông thôn, thường ít hiểu biết về thế giới mạng, và đây là một khoảng trống mà lẽ ra nhà trường phải tích cực lấp vào. Thế nhưng, ngoài những bài giảng khô khan về sinh lý, tránh né những vấn đề về tâm lý và giới tính, nhà trường hầu như ít quan tâm đến việc học sinh trao đổi gì với nhau trên mạng, xem gì trên mạng, tải gì từ mạng và tải gì lên trên mạng.

Các môn học đạo đức không đề cập đến những chuyện này; sách giáo khoa không có những chương trình này; giáo viên không có trách nhiệm bắt buộc phải hướng dẫn cho học sinh về những điều nên và không nên ở trên mạng. Và mạng trở thành một “diễn đàn tự do” cho học sinh.

“Ném đá” - sự dã man thời trung cổ

Quay lại chuyện cô bé 15 tuổi. Cô bé chết vì không chịu nổi áp lực quá lớn từ những “kẻ ném đá” trên mạng, một cách nói cho thấy sự phi nhân tính của những lời bình độc ác.

Ném đá là một hình phạt cổ xưa đối với những người mắc trọng tội sau khi bị tòa án Hồi giáo kết tội. Nhưng những nạn nhân của thế giới mạng lại bị “ném đá” không qua một xác minh, xét xử nào. Và cộng đồng mạng, ẩn sau thế giới ảo, tha hồ ném đá.

Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đã chỉ đích danh “những người ném đá” là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ sinh. “Có một câu nói của người thân nữ sinh này làm tôi phải suy nghĩ: “Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu!”, đại biểu này nói và nhấn mạnh thêm rằng, gia đình nữ sinh ở Đồng Nai cũng không biết cầu cứu vào đâu, không biết liên hệ với ai để ngăn chặn sự phát tán thông tin của mạng xã hội.

Đầu tháng 4/2015, truyền thông thế giới và trong nước đã cho đăng tải nội dung cuộc nói chuyện công khai của cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, kể về cơn khủng hoảng và sự tra tấn nặng nề về tâm lý mà cô phải chịu đựng sau khi scandal tình ái giữa cô và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. “Đó là lần đầu tiên tin tức truyền thống bị internet lấn át. Một cú nhấp chuột chấn động thế giới”, cô Lewinsky tâm sự. Sau một đêm, cô đã biến thành đối tượng bị công chúng nhục mạ. Cô bị gán cho những cái tên tệ hại và nặng nề như “đĩ thõa, gái điếm, lẳng lơ…”.

Cô Lewinsky kể: “Mỗi ngày lên mạng, người dùng internet, đặc biệt là người trẻ không được trang bị tâm lý để đối phó những điều này, bị ngược đãi và sỉ nhục đến nỗi họ không tưởng tượng được mình có thể sống tiếp ngày mai hay không. Và bi kịch hơn, một số đã không thể vượt qua. Quá nhiều bậc phụ huynh không có cơ hội can thiệp để cứu con mình. Quá nhiều người biết được con mình chịu đau khổ và bị làm nhục khi đã quá trễ”.

Khi tường thuật về nội dung cuộc nói chuyện của Lewinsky, một tờ báo đã trích dẫn một phân tích ở Hà Lan cho thấy sự bắt nạt hay ức hiếp trên mạng dẫn tới ý định tự tử cao hơn đáng kể so với bắt nạt ngoài đời thực. Những nhận định này và tình huống của cô thực tập sinh ở Mỹ khá gần với trường hợp em nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai. Chỉ có điều, cô bé đã không chịu đựng nổi, em không vượt qua được, em đã chọn giải pháp từ bỏ cuộc sống.

Đó là một cái chết được báo trước, cùng vô vàn những thân phận đã và đang, sẽ bị mũi dao mạng xã hội đâm vào. Rồi sẽ có nhiều những cái chết tức tưởi khác, đó là điều không thể tránh khỏi nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ từ gia đình, nhà trường đến xã hội. “Lăng mạ tập thể là một môn thể thao đẫm máu cần chấm dứt. Đã đến lúc có một sự can thiệp vào internet và văn hóa của chúng ta”, Lewinsky khẩn cầu.