Chị dạo này hoài nghi mọi thứ. Đôi lúc quẩn quanh, chị hoài nghi cả đứa trẻ đang chăm chú ngồi xoay khối rubíc ở góc nhà. Đứa trẻ ngày càng lầm lì. Nhiều lúc chị tự hỏi, không biết nó có đúng là đứa con mình mang nặng, đẻ đau? Nó giống chị ở những điểm gì? Nó có coi chị là mẹ hay không? Rất lâu rồi mẹ con chị không có sự gần gũi nhau. Con hình như càng lớn càng ngại bày tỏ tình cảm, khiến chị đôi lần e dè khi chạm vào thế giới của con.
Không còn những cái hôn hít, những lần dụi đầu vào lòng mẹ. Cũng không còn những buổi tối ấm áp hai mẹ con nằm dài bên nhau cùng trò chuyện. Ở độ tuổi này, lẽ ra con chị phải ưa tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh thông qua cha mẹ mình bằng nhiều câu hỏi. Chị không biết con đã cất giấu những câu hỏi đó ở đâu và dành để hỏi ai? Nhiều hôm đến trường, đứng ở ngoài nhìn con vui đùa với bạn, chị cứ chạnh lòng nghĩ ngợi vẩn vơ. Nụ cười thơ ngây ấy của con, chị là mẹ mà sao không có được? Lúc tan học, chỉ cần nhìn thấy chị là khuôn mặt đang tươi rói ấy bỗng nhiên tắt lịm, con trở về cái vẻ lầm lì vốn thấy, ngồi sau xe mẹ im lặng không nói một câu, tựa như chị đang chở sau lưng mình một đứa trẻ khác chứ không phải con mình.
Những bữa cơm gia đình luôn khó nuốt. Chồng chị bảo: “Em đừng nấu cơm khô quá ăn hay bị nghẹn”. Nhưng, chị vẫn thường quên cho thêm nước, nếu nhớ thì lại lỡ tay thành ra cơm nhão. Thằng nhỏ không nói gì, cơm khô thì nó lấy thêm cốc nước để bên cạnh. Cơm nhão thì vẫn lặng lẽ ăn. Thỉnh thoảng, nó lén nhìn chị với ánh mắt như dè chừng, như dò xét. Biết đâu nó cũng sẽ hoài nghi về chị, rằng không biết người đang ngồi trước mặt có phải là mẹ nó hay không? Đôi lần chị nghe thấy tiếng thở dài nén nhẹ của chồng. Anh thường buông đũa sớm, cơm canh vẫn còn thừa.
Những món ăn nằm lại trên đĩa hờ hững ngầm cho thấy về thứ hạnh phúc gia đình chán ngán. Chị trút bỏ chúng vào thùng, tự hỏi đâu mới chính là nguyên nhân của mối quan hệ rời rạc giữa ba con người. Không có sự cãi vã, cũng chẳng có mâu thuẫn hay khúc mắc gì nhưng một vết rạn mơ hồ cứ mỗi ngày mỗi dài ra, mọc thành chùm rễ, nảy nở khắp không gian gia đình. Tại sao ngay cả lúc này chị cũng thấy lòng không đủ tha thiết vực dậy không khí gia đình. Hay là chị bệnh thật? Căn bệnh của sự tụt giảm năng lượng sống cộng thêm nỗi hoài nghi đang dần lấn chiếm trong đầu chị.
Chị không nhớ chính xác cảm giác mệt mỏi cứ bám riết lấy chị từ khi nào. Có lẽ là từ sau khi bị sẩy thai đứa con thứ hai rồi sẩy thêm vài lần nữa. Cảm giác bất lực nhìn những đứa con lần lượt ra đi khiến chị đau đớn và tuyệt vọng. Cơ thể chị yếu dần, những cơn đau đầu thường kéo đến bất chợt. Chị suy giảm trí nhớ, nhiều lúc lẩn thẩn chẳng khác người già. Đầu óc chị nặng trịch. Chồng chị không có thời gian để quan tâm, động viên vợ. Anh quá bận bịu làm ăn để kiếm tiền trả nợ vay ngân hàng làm nhà, tiền nuôi con ăn học. Thậm chí chị sẩy thai ba lần cũng chẳng thấy anh buồn.
Đàn ông vẫn vô tâm như vậy hay là anh giỏi giấu cảm xúc thì chị không biết, chỉ biết đôi lúc chị thấy xót xa cho mình, xót xa cho phận đàn bà phải gánh gồng nỗi đau sinh nở. Hồi sinh thằng nhỏ chị bị băng huyết suýt mất mạng. Vậy mà bây giờ nó đang dần xa lánh chị. Nó khước từ những âu yếm vỗ về của tình mẫu tử. Chị là mẹ nó mà không hiểu nó suy nghĩ những gì. Chị thấy mình cô độc trong ngôi nhà này. Và, chị hờn dỗi bằng cách cứ bỏ mặc mọi chuyện diễn ra. Chị chiều chuộng bản thân với những ý nghĩ u ám. Chị buông lơi trách nhiệm vun vén và gắn kết các mối quan hệ gia đình. Nói đúng hơn, chị đã không tìm thấy lý do để cố gắng. Mỗi ngày trôi qua chị luôn thấy mình thêm mỏi mệt.
Anh mua mấy hộp thuốc hoạt huyết dưỡng não nói chị chịu khó uống để cải thiện bệnh đau đầu. Nhưng, chị còn mải nhìn sợi tóc dài vướng trên vai áo anh. Dạo này anh thường về muộn, có khi không đợi được, hai mẹ con đành ăn cơm trước. Anh bảo, thời buổi làm ăn ngày càng khó khăn nên càng phải mở rộng các mối quan hệ, không tránh được vài ba buổi bàn bạc công việc trên bàn nhậu. Chị nghe thì biết vậy chứ nào có hiểu gì về công việc của anh.
Có khi chẳng phải vì bận việc mà vì một người phụ nữ nào khác thì sao? Đàn ông bây giờ hở ra là bồ bịch. Nhất là từ sau nhiều lần sẩy thai chị bắt đầu sợ chuyện gối chăn. Cơ thể luôn mỏi mệt làm mất dần cảm hứng gần gũi vợ chồng nên chị đã để anh thiếu thốn. Mà anh thì vốn đào hoa, lại thêm trong túi lúc nào cũng sẵn tiền nên đâu khó gì chuyện gái gú lăng nhăng. Sợi tóc lạ trên vai áo chồng cứ ám ảnh tâm trí chị. Mùa này là mùa măng, cũng có nghĩa là mùa rụng tóc. Biết đâu một sợi tóc nào đó chỉ vô tình vướng vào vai áo của chồng chị? Chị đã mấy lần định hỏi anh nhưng không biết phải hỏi thế nào. Mà nếu đúng là có bồ thì đời nào anh nhận.
Đang ăn cơm thì thằng nhỏ nhăn mặt nhả vội ngụm canh trong miệng ra. Vừa đúng lúc anh chan canh vào bát. Thằng nhỏ bảo: “Canh mặn lắm, bố đừng ăn”. Anh nếm thử, khẽ thở dài nhìn chị hỏi: “Em đã nghĩ gì khi bỏ muối vào canh?”. Chị hơi sững người trước câu hỏi của chồng. Chị đã nghĩ gì khi nêm nếm những món ăn cho chồng con mình ư? Hình như chẳng đơn thuần là muối mắm mà còn là sự hoài nghi, buồn chán và đôi khi cả thờ ơ, tuyệt vọng. Mỗi thứ nêm một ít, cũng có khi quá tay khiến gia vị trở thành thuốc đắng. Thằng nhỏ nói “Cơm mẹ nấu bây giờ không ngon bằng cơm mẹ nấu ngày xưa”. Mắt chị bỗng cay xè. Ừ thì ngày xưa chị là người thổi hồn vào từng món ăn.
Ngày nào chị cũng xách làn đi chợ với niềm vui chọn lựa từng mớ rau non, từng con cá tươi. Về nhà, chị chế biến bằng tất cả tình yêu thương khi nghĩ đến chồng con ngồi ăn uống ngon lành. Giờ nhìn quanh gian bếp thì thấy bát đĩa bày khắp nơi, gia vị để lộn xộn, những vết dầu mỡ chẳng buồn lau. Cơm rất khô và canh rất mặn. Thỉnh thoảng cá kho bị cháy, rau luộc quá nhừ. Chị đã bắt chồng con phải nuốt chúng mỗi ngày nhưng lại đòi hỏi họ phải yêu thương mình. Chị là người đàn bà bỏ bê mái ấm đã bao lâu rồi chị cũng không nhớ rõ. Hôm nay, câu hỏi của chồng khiến chị nghẹn đắng.
Lúc rửa bát dưới bếp chị bỗng nhiên thấy gáy nóng ran. Không quay lại nhưng chị biết con đang nhìn mình từ phía sau. Bao nhiêu cảm xúc đột ngột dâng trào thành nước mắt. Chị để mặc nước xối xả đầy bồn, vai rung lên theo từng tiếng nấc. Thằng nhỏ tiến lại gần, nắm vạt áo chị lắc nhẹ: “Có phải mẹ buồn vì con chê mẹ nấu không ngon? Con chỉ đùa thôi mà, mẹ đừng khóc nữa”. Chị lắc đầu. Nhìn thằng nhỏ buồn thiu mà lòng chị dấy lên niềm thương yêu vô bờ bến.
Tối đó nằm bên nhau, chồng chị bảo: “Cơm canh đạm bạc cũng không sao, có thế nào cả nhà mình ăn thế ấy. Chỉ mong em đừng để cơm khô và canh mặn”. Chị rúc đầu vào ngực chồng, thấy ân hận và nuối tiếc vì đã mất quá nhiều thời gian tự nhốt mình trong hoài nghi hỗn độn. Chị đã quên mất một điều quan trọng, phụ nữ luôn là sợi dây gắn kết gia đình. Việc chị không tha thiết vun vén tổ ấm chẳng khác gì mở cửa cho sự cám dỗ và đổ vỡ.
Anh nếm thử, khẽ thở dài nhìn chị hỏi “Em đã nghĩ gì khi bỏ muối vào canh?”. Chị hơi sững người trước câu hỏi của chồng. Chị đã nghĩ gì khi nêm nếm những món ăn cho chồng con mình ư? Hình như chẳng đơn thuần là muối mắm mà còn là sự hoài nghi, buồn chán và đôi khi cả thờ ơ, tuyệt vọng.