Dân Việt

Thủy sản - khai thác cạn kiệt

16/11/2010 14:37 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện năng lực đánh bắt của cả nước đã vượt quá giới hạn khai thác bền vững. Bởi vậy, theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), công tác bảo vệ và gia tăng nguồn lợi thủy hải sản càng trở nên bức thiết...
img
Khai thác thủy sản ở Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Đình Thắng

Suy giảm mạnh

Theo Tổng cục Thủy sản, trong những năm qua, ngành thủy sản đã phát triển nhanh, sản lượng tăng 4%/năm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, ngành thủy sản đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa.

Ngừng khai thác ở một số vùng cạn kiệt

Tổng cục Thủy sản cho rằng, đối với những vùng có nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, sẽ quy định tạm ngừng khai thác, đồng thời có chính sách hỗ trợ ngư dân khu vực cấm khai thác được xác định thông qua nghiên cứu phân bố của trứng cá và cá con trong vùng biển nghiên cứu, có thể là vùng sinh sản hoặc vùng ương nuôi của các loài hải sản, chẳng hạn như các vùng cửa sông Cửu Long, vùng ven biển Bạc Liêu, Vũng Tàu, khu vực quần đảo Nam Du, ven bờ Kiên Giang, vùng biển Tây Nam bộ...

Hiện nay vùng biển và ven biển nước ta tổng trữ lượng hải sản biển ước khoảng 5,1 triệu tấn, tương ứng với khả năng khai thác cho phép khoảng 2,1 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực đánh bắt của cả nước lên đến 2,27 triệu tấn/năm, đã vượt quá giới hạn khai thác bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nói thêm: “Trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ đang suy giảm, trong khi số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ vẫn tiếp tục tăng theo các năm. Thực trạng này nếu vẫn kéo dài sẽ càng làm cho nguồn lợi hải sản ven bờ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng hơn”.

3 giải pháp

Theo Tổng cục Thuỷ sản, các hoạt động bảo vệ nguồn lợi hải sản hiện nay đang nhằm vào 3 hướng chủ yếu: Quản lý và kiểm soát cường lực đánh bắt; thiết lập các khu bảo tồn; tái tạo, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã thực hiện phân tuyến, phân vùng đánh bắt trên các vùng biển, các vùng biển nội địa. Đến nay, đã có trên 80% tổng số tàu cá lắp máy công suất từ 20CV trở lên được cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Hoạt động bảo tồn thủy sinh trong 5 năm qua cũng đã có những kết quả khả quan. Theo đánh giá của ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, đến nay đã quy hoạch hệ thống 45 khu bảo tồn nước nội địa và 16 khu bảo tồn biển. Trong 1 -2 năm tới mạng lưới khu bảo tồn sẽ được mở rộng mạnh mẽ.

Việc thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên cũng góp phần làm tăng mật độ quần thể của các giống đã bị khai thác quá giới hạn cho phép. Hoạt động này đã trở thành phong trào mạnh mẽ tại nhiều địa phương như Nghệ An, Tiền Giang, Cà Mau...