Ở nông thôn thời xưa, người ta nói năng không dùng những lời lẽ trau chuốt bóng bẩy như chốn thị thành, mà thường “ăn cục, nói hòn”. Thế nhưng đó không phải là những lời tục tĩu...
Nói tục đầy đường...
Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn trong nhiều nghiên cứu về văn hóa nông thôn đã cho thấy: “Nông thôn chính là cái nôi của văn hóa Việt, kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca đã minh chứng điều đó. Tất cả những cái hay, cái đẹp, cái tinh túy nhất của văn hóa Việt đều bắt nguồn từ nông thôn mà ra. Cái nếp nhà, tình làng nghĩa xóm cũng là sản phẩm của văn hóa làng”.
Nông thôn ngày xưa ra đường gặp nhau là chào hỏi ríu rít, trẻ con khoanh tay khi gặp người già, tối lửa tắt đèn hàng xóm có nhau... Thế nhưng hôm nay, về các làng quê, cái tình làng đã phai đi nhiều lắm, trẻ em, người lớn nói tục đầy đường, ở đâu cũng gặp. Ông Trần Trọng Thu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho hay: Trước đây nông thôn có tồn tại tiếng chửi, có khi là cả “bài chửi” của những bà bị mất trộm con gà, con vịt… thường xuyên xảy ra ở các ngõ xóm.
Trẻ con khi đó cũng nghe, còn chạy theo cười đùa nhưng dường như không bị ảnh hưởng, cũng không bắt chước theo. Còn thực tế lời ăn tiếng nói nông thôn hiện nay thật là đáng buồn, vì nói tục nói bậy đã trở thành căn bệnh nan y diễn ra nhiều nơi, nhiều người nói và nói bất kể tình huống nào”.
Đến những nơi công cộng của nông thôn hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp những tình huống ứng xử thiếu văn hóa, trong đó có nói tục nhiều không kể hết. Chị Vũ Thị Miến (Khu 8, Hải Hòa, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) thường xuyên ra chợ Ba mua đồ nấu ăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây đi chợ, chị thường tránh xa gian hàng bán thịt vì từng một phen “ngậm quả đắng”.
Chị Miến bức xúc: “Lúc trước đi chợ, mình mua phải thịt ôi ở hàng bán thịt lợn. Ngày hôm sau, khi ra chợ nói nhỏ với người bán hàng liền bị bà chủ mắng chửi như tát nước, toàn lời tục tĩu vào mặt trước bao nhiêu người. Mình chẳng thèm đôi co với bà bán thịt làm gì và từ sau đó mình “cạch mặt” hàng thịt của bà ấy”.
Đằng sau những câu nói tục, nói bậy dẫn đến sự hiểu nhầm trong đời sống nhân dân, và làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm, khiến tình cảm con người đi xuống là điều không thể tránh khỏi. Mỗi lần ông Nguyễn Văn Tôn uống rượu say về nhà là một lần người dân làng trên xóm dưới thôn Quang Rực (Hồng Phong, Ninh Giang) lại được nghe tiếng chửi bới, nhiếc móc đầy tục tĩu của ông đổ lên đầu cho vợ con. Từ sau khi con trai, con dâu dọn ra ở riêng, gia đình mới có được cuộc sống tạm thời yên ổn. “Biết tính của chồng, mỗi lần ông ấy say, tôi đều chạy sang nhà hàng xóm lánh nạn. Đợi đến khi ông ấy không mắng chửi tôi mới dám trở về nhà”- bà Nguyễn Thị Lanh, vợ ông Tôn chia sẻ.
Lo lắng cho thế hệ trẻ
Vì sao nông thôn có tình trạng “ô nhiễm” văn hóa trầm trọng như thế? Trao đổi với phóng viên NTNN, nhà văn, TS Phạm Việt Long cho rằng: “Nông thôn Việt Nam xưa gồm nhiều làng với tổ chức xã hội khá khép kín, do đó khá bảo thủ, khó tiếp thu cái mới nhưng cũng khó bị tha hóa hơn bây giờ. Bây giờ, người của làng ra thành phố làm ăn, đem về làng cái văn minh và cả cái tiêu cực của thành thị. Phương tiện truyền thông phát triển, sự tiếp thu theo hướng tích cực và tiêu cực của người nông dân đối với văn hóa bên ngoài mạnh mẽ hơn xưa rất nhiều. Quá trình đô thị hóa nông thôn tác động toàn diện vào cấu trúc làng xã, vào đời sống nông dân, trong đó có nhiều tác động tiêu cực về lối sống, nếp sống, lời ăn tiếng nói...”.
Nhìn ở góc độ khác, thực trạng nhiều người lớn tuổi không gương mẫu trong cách ăn nói và trong văn hóa ứng xử không chừng sẽ trở thành “tai họa” đối với thế hệ trẻ. Chuyên gia tâm lý Lê Toàn phân tích: Trẻ em sẽ sống thế nào trong một môi trường có bố mẹ suốt ngày văng tục? Khi mà tục tĩu ở khía cạnh khác là sự nguyền rủa -là trạng thái cao của sự cay đắng. Có bố mẹ vẫn nói: “Mày chết đi cho rồi”. Chứng tỏ bố mẹ có rất nhiều sự bất mãn, không mong đợi ở con cái. Điều đó sẽ làm tổn thương, đau đớn tâm hồn trẻ từ khi còn nhỏ.