Man “xanh” vẫn là “nho xanh”
Đầu tháng 6, hãng tư vấn nổi tiếng Brand Finance đưa ra báo cáo khẳng định: Manchester United đã trở thành câu lạc bộ (CLB) bóng đá có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2015 với 1.206 tỷ USD, tăng 467 triệu USD so với năm 2014.
Đáng chú ý, Man “đỏ” vẫn có giá trị thương hiệu đầy sức hút và trở thành CLB đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD dù họ đã qua 2 mùa giải trắng tay.
Trong danh sách 10 CLB có giá trị thương hiệu mà Brand Finance công bố, M.C xếp thứ tư với 800 triệu USD, cao hơn cả Chelsea (795 triệu USD) - đương kim vô địch Ngoại hạng Anh hay Barcelona (773 triệu USD) - đội đã giành “cú ăn ba” mùa giải vừa qua.
Nhưng thương hiệu toàn cầu của một đội bóng không chỉ được tính bằng tiền. Nó còn là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như truyền thống, phong cách chơi bóng, đẳng cấp của các ngôi sao và sức hút với người hâm mộ. Xét đến các yếu tố này thì chắc chắn, M.C thua xa Barcelona. Nếu lấy Barca làm thước đo, M.C kém hẳn về lịch sử, truyền thống. Trên phương diện lối chơi, M.C chỉ là “tí hon” khi xếp cạnh chiến thuật tiqui-taca lừng danh, và bằng chứng là họ đã liên tiếp thua Barca trong 2 mùa gần đây ở Champions League. Tính đến các ngôi sao, M.C làm sao có được bộ ba Messi-Suarez-Neymar huyền ảo như đội bóng xứ Catalan.
Có thể nói thẳng, những Yaya Toure, Edin Dzeko, Samir Nasri, David Silva, Stevan Jovetic... của M.C đều là ngôi sao, nhưng họ chưa và có lẽ sẽ không bao giờ đạt tới đẳng cấp siêu sao. M.C thực tế là một dạng “nhà giàu mới nổi” nên sự công nhận rộng rãi dành cho họ tất nhiên chưa mang tính tuyệt đối. Cứ nhìn vào việc M.C thua liểng xiểng và luôn bị coi là “kẻ học việc” tại Champions League thì đủ biết, họ còn lâu mới đạt tới vị thế của một thương hiệu toàn cầu đích thực.
“Tra tấn” túi tiền người hâm mộ
Với giá vé vào sân Mỹ Đình ngày 27.7 tới gồm 4 mức 600.000 -1 triệu-1,5 triệu và 1,8 triệu đồng, chuyến du đấu của M.C là màn thử thách thực sự đến túi tiền người hâm mộ Việt Nam. Những người thu nhập thấp chắc chắn không muốn (thậm chí không thể) chi ra một số tiền lớn so với khả năng của họ để mua vé vào sân xem M.C thi đấu một trận giao hữu. Ngay cả những người có thu nhập trung bình khá cũng phải suy nghĩ kỹ, khi M.C chưa hẳn đã là “cục nam châm” có đủ sức hút với họ.
Năm 2013, Arsenal, đội bóng có truyền thống, bản sắc hơn hẳn M.C tới Việt Nam mà mức giá vé cũng thấp hơn (từ 400.000 tới 1,5 triệu đồng). Vậy M.C có giá trị thế nào mà sở hữu giá vé đắt đỏ như vậy? Không phủ nhận, từ khi được Tập đoàn Abu Dhabi United mua lại vào tháng 8.2008, M.C đã đổi đời nhanh chóng. Nhưng tiền mang lại thành công cho M.C thì cũng đồng thời khiến họ phụ thuộc và khổ sở vì điều đó. Trong 2 năm qua, M.C đã bị phạt 60 triệu euro vì vi phạm luật công bằng tài chính của Liên đoàn Bóng đá châu Âu, bị cắt giảm đội hình từ 25 xuống 21 cầu thủ dự Champions League và bị giới hạn số tiền chuyển nhượng.
Loay hoay giữa thu và chi, đặc biệt gặp khó trong việc bán các triệu phú đá bóng vốn đang ở giai đoạn cuối sự nghiệp, không loại trừ khả năng M.C du đấu để… kiếm tiền. Thực tế, Việt Nam không phải là sự lựa chọn hàng đầu của M.C mà đó là Indonesia. Nhưng do Indonesia đang bị Liên đoàn Bóng đá thế giới cấm thi đấu quốc tế nên M.C mới chọn Việt Nam. M.C cam kết mang tới đội hình tốt nhất có thể, nhưng điều đó đâu phải là sự bảo đảm cho việc sân Mỹ Đình sẽ kín chỗ, khi họ - và các nhà tổ chức trận giao hữu - chơi khó những cổ động viên với mức giá vé đắt đỏ.