Dân Việt

Phụ nữ Đăk Tăng không còn sinh con thứ 3

Ngô Xuân 02/07/2015 11:10 GMT+7
Ngay từ những ngày đầu thành lập (5.2012), mô hình phụ nữ không sinh con thứ 3 của Chi hội Phụ nữ thôn Đăk Tăng (Ngọc Tụ, Đăk Tô, Kon Tum) thu hút trên 50% số chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Đến nay con số đăng ký vẫn ngày một tăng lên... 

img
Chị Y Đăk (trái) thường xuyên đến vận động các phụ nữ trong thôn tham gia khám sức khỏe định kỳ, thực hiện KHHGĐ. Ảnh: Ngô Xuân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có được thành tích này là sự phối hợp chặt chẽ của các cấp hội như: Phụ nữ, thanh niên, cán bộ dân số, y tế thôn làng…

Các chị đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng đối tượng” để tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Chị Y Đăk – cán bộ phụ nữ thôn Đăk Tăng, người tiên phong trong công tác vận động chị em phụ nữ tham gia KHHGĐ cho biết: Toàn thôn có 76 hộ với 322 khẩu, trong đó có 55 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Trước năm 2010, nhiều người còn quan niệm “trọng nam, khinh nữ” nên không ít gia đình đã sinh vượt kế hoạch. Trước thực tế đó, các cán bộ làm công tác phụ nữ, thanh niên, phụ trách dân số, y tế thôn làng đã phối hợp với nhau triển khai các hoạt động nhằm phổ biến nội dung về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn đối với phụ nữ 18 tuổi trở lên. Còn phụ nữ đã lập gia đình, vận động tham gia KHHGĐ bằng các biện pháp tránh thai hiện đại để đảm bảo hạnh phúc gia đình và tập trung đầu tư làm kinh tế.

Quan điểm

Chị Bùi Thị Hằng – cán bộ phụ trách kế hoạch hóa gia đình (Trạm Y tế xã Ngọc Tụ)
  Điều đáng nói hơn cả là 3 năm ấy, các cán bộ làm công tác dân số, lãnh đạo thôn không phải đi sâu can thiệp một trường hợp nào có ý định sinh con thứ 3.

 
Từ việc xây dựng kế hoạch cho tới thực hiện những việc làm cụ thể đến năm 2012 mô hình phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Đăk Tăng chính thức được thành lập. Chị Bùi Thị Hằng – cán bộ phụ trách kế hoạch hóa gia đình (Trạm Y tế xã Ngọc Tụ) phấn khởi: “Từ chỗ mỗi người, mỗi gia đình nâng cao ý thức tự giác thực hiện KHHGĐ, góp phần làm nên thành tích chung của thôn – 3 năm không có người sinh con thứ 3. Điều đáng nói hơn cả là 3 năm ấy, các cán bộ làm công tác dân số, lãnh đạo thôn không phải đi sâu can thiệp một trường hợp nào có ý định sinh con thứ 3.”

 

Chị Y Nghiệp (31 tuổi), một trong số ít hộ của thôn Đăk Tăng nhận thức cao ngay từ những ngày đầu tham gia sinh hoạt mô hình của chi hội phụ nữ thôn cho biết: “Để có thể dừng lại ở 2 con, ngoài nỗ lực của bản thân, tôi đã nhờ sự vào cuộc của cán bộ dân số, hội phụ nữ, trưởng thôn thường xuyên động viên chồng. Giờ đây tôi rất vui vì không những chồng ủng hộ mà còn hưởng ứng bà con trong thôn cùng thực hiện”.