Thí sinh Hà Nội: Đề thi có tính phân loại cao
Kết thúc 90 phút làm bài thi môn Vật Lý, phần lớn thí sinh cho rằng, đề thi vừa sức và có tính phân loại cao.
Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Đại học Thủy Lợi, Hà Nội, nhiều thí sinh hài lòng với phần bài làm của mình. Thí sinh Lê Văn Vượng, học sinh trường THPT C Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết, đề thi có 50 câu hỏi, tập trung vào nội dung dao động, sóng, điện…
Thí sinh dự thi tại điểm thi Đại học Thủy Lợi
“Em làm được khoảng 70% bài thi. Trong đề thi có khoảng 6-7 câu hỏi về phần điện mang tính chất phân loại học sinh. Ở dạng câu hỏi này, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ bản chất, hiểu câu hỏi mới có thể tìm ra đáp án đúng”, Lượng chia sẻ.
Lượng cho biết thêm, phần câu hỏi về điện, đề thi cho dữ liệu rất dài, vì vậy đòi hỏi thí sinh phải tóm tắt được nội dung nhanh, hiểu rõ câu hỏi mới có thể làm được. Đặc biệt, từ câu 41 đến câu 50, phần câu hỏi về điện chiếm phần lớn, vì vậy nhiều học sinh đã “gặp khó” ở dạng câu hỏi này.
Thí sinh cùng phụ huynh xem lại đề thi môn Lý sau giờ thi
Tại điểm thi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thí sinh Vũ Văn Tuấn, học sinh trường THPT Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, đề thi môn Lý không khó, học sinh có học lực trung bình vẫn có thể đạt điểm 5. Phần lý thuyết chủ yếu là kiến thức phần sóng và ánh sáng, dễ làm hơn so với phần bài tập.
“Phần bài tập khó nhất là phần điện. Em làm được 30% ở phần này, em phải khoanh bừa khoảng 10 câu. Em làm được khoảng 80% đề thi môn Lý”, Tuấn nói.
Thí sinh Phạm Anh Tuấn, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội nói: “Phần điện là phần khó nhất nhưng lại chiếm nhiều điểm nhất trong câu hỏi phần bài tập. Kiến thức lớp 10 và lớp 11 chiếm khoảng 10 câu, nhưng không phải quá khó. Tuy nhiên, do em học khối D, môn Lý không phải là sở trường nên đã khoanh bừa khoảng 20 câu”.
Tại cụm thi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thí sinh Nguyễn Hồng Anh, Trường THPT Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đề thi môn Lý có 2 phần rõ rệt là phần lý thuyết và phần bài tập ứng dụng. Phần lý thuyết, thí sinh có học lực trung bình có thể hoàn thành được. Với phần bài tập, thí sinh cần áp dụng nhiều công thức và biết tính toán mới ra kết quả.
Trong phần bài tập, có nhiều bài em phải tính toán mất 5 phút mới ra đáp án. Bên cạnh đó, một số bài khó chỉ dành cho thí sinh có học lực giỏi mới làm được. “Tuy nhiên, đề thi theo dạng trắc nghiệm nên một số bài em không có đáp án nhưng vẫn chọn một đáp án may ra sẽ đúng” – Hồng Anh tươi cười nói.
Thí sinh Chu Phương Thắng, Trường THPT Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội chia sẻ, em hoàn thành được 50-60% bài thi. Đề lý có đưa câu hỏi về việc sử dụng sóng ở Trường Sa của Việt Nam. Đây là một kiến thức rất bổ ích cho chúng em, nếu câu hỏi không có trong đề thi, chúng em cũng không biết Trường Sa sử dụng sóng điện từ nào để thu sóng từ vệ tinh xuống.
Thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận xét, đề thi có độ phân hóa khá tốt. Trong 50 câu hỏi có từ 25-30 câu hỏi khá dễ, còn lại từ khó đến cực khó, đòi hỏi thí sinh phải học thật tốt mới làm được.
Thí sinh Lê Lan Anh, (Hà Nội) cho biết: Đề thi môn Vật lý năm nay có 60% câu dễ còn lại là nâng cao. Khoảng 10 câu cuối trong tổng số 50 câu theo nam sinh này là cực khó, có độ phân hóa cao nằm trong phần điện, vật lí hạt nhân.
Do là môn thi để xét tốt nghiệp THPT nên Lan Anh cũng có tâm trạng khá thoải mái. Em đã hoàn thành 3 môn khối D để xét tuyển đại học và làm khá tốt.
Trong khi đó, em Trần Thị Nhinh (Nam Định) khẳng định, để vượt qua điểm trung bình với đề Vật lý năm nay là không quá khó. Nhinh định thi vào trường Dược (chú trọng Toán, Hóa Sinh) nhưng em thấy khoảng 25 câu hỏi trong đề thi hôm nay khá dễ, là các kiến thức cơ bản, chỉ cần học thuộc kiến thức trong sách là làm được.
TP.HCM: Thí sinh “than” khó ở 20 câu cuối
Tất cả các thí sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia tại TP.HCM đều nhận định, đề Vật lý chiều nay ra hay, ngắn hơn mọi năm và phân loại rất rõ ràng.
Thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THPT Hồng Bàng.
Tại điểm thi THPT Ngô Gia Tự, thí sinh Nguyễn Anh Tài cho biết, em hoàn thành 30 câu đầu tiên chỉ trong vòng 10 phút (chưa tính thời gian đọc đề). Riêng 20 câu cuối, em dành hết thời gian còn lại để giải và chỉ tìm ra đáp án cho một nửa số câu này.
“Em thấy đề này ngắn hơn đề đại học các năm, nhưng câu dễ thì quá dễ và câu khó thì quá khó”, Tài nói.
Các thí sinh đã làm bài thi Vật Lí trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 trong 90 phút, từ 14h30 đến 16h.
Cũng đánh giá như Tài, thí sinh Nguyễn Thị Hữu Thùy (THPT Nguyễn Hữu Thọ, tỉnh Long An) tại điểm thi Trường THPT Hồng Bàng nhận định, đề phân loại rất rõ ràng với 30 câu dễ ở đầu và 20 câu khó ở cuối. Thùy cho biết em hoàn thành 30 câu đầu trong 15 phút và chỉ giải được khoảng 5 câu ở nhóm 20 câu khó.
Thí sinh Nguyễn Thị Hữu Thùy đánh giá đề mang tính phân loại tốt.
Thí sinh Minh Trang (Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thì cần tới 45 phút để hoàn thành 30 câu đầu. Riêng các câu sau, em dành hết thời gian để giải nhưng cũng chỉ giải ra được 4 câu.
Trang nhận định, “20 câu cuối bài quá khó, em nghĩ đó là cách phân loại thí sinh tốt. Cách ra đề theo thứ tự dễ ở đầu, khó ở cuối cũng đã giúp em làm bài tốt hơn”.
Dòng thí sinh di chuyển ra từ điểm thi THPT Hồng Bàng.
Ghi nhận tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), cụm thi của ĐH Sài Gòn, chỉ vừa hết 2/3 thời gian TS đã ra khỏi phòng thi khá đông. TS Trần Thanh Trúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Đề Vật lý năm nay không khó, nhưng có tính phân loại cao. Muốn làm tốt, học sinh phải ôn tập những bài tập nâng cao, còn chỉ học trong sách giáo khoa không thể làm được. Thực tế với đề này thì học lực trung bình có thể đạt 5-6 điểm. Riêng em thì tự tin có thể đạt khoảng 8 điểm.
Thí sinh làm bài thi môn Vật lý tại cụm thi của ĐH Sài Gòn
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hồng (THPT Bình Phú, Q.6), cũng thi tại cụm thi ĐH Sài Gòn, nhận định: Đề Vật lý cũng tương tự những năm trước, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình cơ bản, chỉ có một số câu là có tính phân loại thì hơi rắc rối nhưng những câu này để TS xét tuyển Đại học cạnh tranh nhau, còn nếu chỉ để lấy kết quả để xét tốt nghiệp thì làm 50% -60% số điểm không quá khó.
Kết thúc buổi thi môn Vật lý, nhiều TS cũng thở phào nhẹ nhõm vì các em đã hoàn thành xong kì thi THPT Quốc gia năm nay khi đã hoàn thành 4 môn (có 3 môn bắt buộc) như quy định của Bộ GD-ĐT.
Đà Nẵng: Phần bài tập khó và dài
Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh thi xong môn Lý ra về đều than khó phần bài tập phải tính toán nhiều, mất thời gian.
Thí sinh Nguyễn Trúc Linh thi tại hội đồng thi trường Cao đẳng Công nghệ cho biết, đề thi lý có 50 câu, thì dễ mấy câu lý thuyết, còn phần bài tập thì khó. Các phần đều ra trong kiến thức lớp 12, nhưng đòi hỏi phải suy luận nhiều. "Em chỉ làm được phần lý thuyết, còn phần bài tập thì em không hoàn thành được", Trúc Linh chia sẻ.
Thí sinh dự thi môn Lý tại Đà Nẵng than dề khó ở phần bài tập
Tương tự thí sinh Nguyễn Anh Tuấn Phong, cùng thi tại hội đồng thi cũng cho rằng, đề môn Lý phải suy luận tính toán nhiều rất mất thời gian. Nhất là khó ở câu phần điện xoay chiều và sóng.
Theo ghi nhận tại Đà Nẵng, hầu như các thí sinh đều cho rằng, đề thi khó ở phần điện xoay chiều và sóng, làm bài đạt chỉ 50-60% bài.
Thí sinh Khánh Hòa: Đề thi môn Vật lý khó kiếm điểm cao
Kết thúc thi buổi chiều nay, nhiều thí sinh nhận xét, để kiếm điểm trung bình (5- 6 điểm) thì dễ, muốn kiếm điểm cao rất khó. Tại cụm thi số 32 Nha Trang, các thí sinh hoàn thành bài thi và ra vừa khớp với thời gian.
Em Nguyễn Thị Mỹ Kiều (trường THPT Hoàng Văn Thụ, Nha Trang) cho biết, trong đợt này em thi khối A1 trong đó có môn Vật Lý, môn Vật lý là sở trường của em, riêng chiều nay em cố gắng lắm mới làm được 35/50 câu, huy vọng kiếm được 5 điểm.
Em Kiều (áo đen) đang thảo luận môn Vật Lý sau khi thi xong
Còn em Vũ Khánh Hùng (trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang) chia sẻ, đề thi này em chỉ kiếm được 6 điểm chứ khó có điểm cao, em là học sinh khá của trường mà chỉ vỏn vẹn kiếm điểm trung bình, em phân tích từ câu 1 đến 30 thì dễ chủ yếu lý thuyết và công thức nhưng từ câu 31 trở đi tính toán nhiều nên mất nhiều thời gian không làm kịp, mặc dù em đã cố gắng.
Quảng Ninh: Chưa đầy 10% số thí sinh dự thi môn Vật lý
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, môn thi Vật lý có 8 phòng thi trống ở các điểm thi trường THPT Tiên Yên, THPT Bình Liêu, THPT Ba Chẽ, THPT Hoành Bồ, THPT Thống Nhất, THPT Minh Hà và THPT Hoàng Văn Thụ.
Điểm trường THPT Hoành Bồ không có thi sinh nào dự thi môn Vật lý.
Thí sinh đăng ký thi môn Vật Lý là 638 thí sinh nhưng chỉ có 634 thí sinh dự thi, như vậy có 4 thí sinh bỏ thi. Số lượng thí sinh dự thi môn thi Vật lý chỉ đạt gần 10% (634/7166 thí sinh dự thi toàn tỉnh).