Dân Việt

Nông thôn “ô nhiễm” vì tệ nói tục: Làm sao để "rác" thành "hoa"?

Mỵ Lương - Hồng Vân 03/07/2015 08:07 GMT+7
Việc loại bỏ những hành vi thiếu văn hoá ra khỏi cuộc sống văn minh là điều cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, cách “điều trị” tận gốc căn bệnh nói tục ở mọi vùng miền nói chung, và khu vực nông thôn nói riêng vẫn là một bài toán chưa có lời giải đáp.

Nói tục đại trà

Tình trạng nói tục xuất hiện ở những nơi công cộng của Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến hiện nay ngày càng nhiều. Đi đến chợ, bệnh viện, trường học, quán nhậu, thậm chí cả nơi công sở… chúng ta bắt gặp không ít thanh thiếu niên, người lớn tuổi trong lúc trò chuyện vẫn chêm vào những từ ngữ thô tục.

Làm nghề chạy xe ôm ở Hà Nội được gần 6 năm, ông Nguyễn Xuân Kiên (Thanh Liêm, Hà Nam) khẳng định: Việc nói tục chửi bậy là chuyện diễn xảy ra bình thường như cơm bữa. Có đôi lần, bản thân ông Kiên trở thành nạn nhân hứng chịu của những lời lẽ thô tục. “Đơn giản là việc không may thắng phanh gấp lúc chờ đèn đỏ, tôi vô tình va mạnh vào xe của người đi trước. Bình thường như người khác thì tôi xin lỗi là người ta cho qua; tuy nhiên, nếu là kẻ khó tính, có khi là bọn trẻ bằng tuổi con, tuổi cháu chúng cũng chửi mắng xối xả. Có người mạnh miệng còn rủa: “Đ.m lão già đi không có mắt à”... Nghe mà buồn não lòng” - ông Kiên bày tỏ.

img
Tình trạng nói tục, chửi bậy đang khá phổ biến trong thanh thiếu niên ở nông thôn hiện nay. (Ảnh minh họa). Ảnh: Mạc Li

Ở nông thôn, có thể dễ dàng bắt gặp hai hay nhiều đứa trẻ chơi với nhau và nói ra những lời lẽ thô tục, chửi bậy. Em Phạm Thị Quỳnh - học sinh lớp 9A1, Trường THCS Quỳnh Ngọc (Quỳnh Hải, Thái Bình) tâm sự: “Các bạn mạnh miệng nói tục nhất là lúc cãi nhau. Việc văng tục, nói bậy trong một số trường hợp để biểu hiện sức mạnh, ví dụ như khi bị các bạn khác làm phiền, nô đùa quá trớn. Trong lớp, một bạn nam bình thường rất ngoan, không nói tục đâu, nhưng đến lúc bị các bạn trêu là “không nói tục không phải là con trai” thế là bạn chửi tục liền”.

Thầy Phạm Đức Trung - giáo viên Trường THCS Bắc Hồng (Đông Anh) bức xúc: “Tôi rất khó chịu khi nghe học sinh của mình nói tục, chửi bậy. Không hiểu sao thế hệ học trò tâm hồn trong sáng lại có thể văng ra những câu nói bậy đến thế ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Đối với nhiều em, nói tục, chửi bậy bình thường như câu nói cửa miệng, phát ngôn mà chẳng kịp suy nghĩ.”

Nhiều người cho rằng, một bộ phận giới trẻ nông thôn văng tục, chửi bậy là do bị ảnh hưởng từ bạn bè, “lây nhiễm” thành phong trào nói bậy tập thể. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đan Phượng (Hà Nội), người có nhiều năm làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, nhận định: “Nguyên nhân của hiện tượng nói tục phổ biến là do truyền thống gia đình kết hợp việc giáo dục đạo đức, ứng xử văn hóa trong nhà trường chưa tốt. Nếu ông bà, bố mẹ nói tục, nói bậy thì đương nhiên con cháu sẽ học theo. Ngược lại, với một gia đình có bố mẹ gương mẫu, con cái nói tục tự khắc sẽ thấy ngượng, và bố mẹ với cương vị bề trên phải nhắc nhở điều chỉnh để con không mắc phải nữa” - bà Hiền cho biết.

Làm sao để “rác” thành “hoa”?

Những quy tắc để xử lý mạnh tay với những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, trong đó có nói tục, nếu được áp dụng trên địa bàn rộng như nông thôn còn mang tính chất "đá ném ao bèo”. Việc tìm ra liều thuốc triệt tận gốc “căn bệnh” nói tục trở thành câu hỏi nhức nhối gây tranh cãi trong dư luận.

Mới đây lãnh đạo TP.Hà Nội đã phải ra văn bản chỉ đạo các quận, huyện và một số sở, ngành "tuyên chiến" với nạn nói tục trong nhà trường và ngoài xã hội. Trong khi chờ UBND TP.Hà Nội nghiên cứu để ban hành chế tài xử lý những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thì tình trạng nói tục, chửi bậy vẫn diễn ra tràn lan.

Quan điểm

Bà Nguyễn Thị Hiền
 Cần tác động lâu dài theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, bởi nói tục, chửi bậy đã trở thành thói quen cần phải tác động lâu dài,“đấu tranh” trường kỳ mới mong có hiệu quả.

 
Hà Nội - thủ đô của cả nước, mảnh đất nghìn năm văn vật mà còn vậy, nói gì các tỉnh thành khác, mà khu vực nông thôn cũng không là ngoại lệ. Một thực tế có thể thấy, thanh niên nông thôn phần lớn ra ngoài xã hội bươn chải, người học tập, người đi làm ăn xa có khi đến ngày nghỉ, dịp lễ tết mới trở về nhà. Ông Bùi Duy Khương - chủ quán bia tại thôn Quang Rực (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương) khẳng định: “Tình trạng xã hội nói tục nhiều không phải từ nông thôn mà ra. Nhìn lại bọn trẻ đi làm mang theo cái mới về quê, đầu nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, tối đến tụ tập ở quán bia, chơi bi-a đập bàn đập ghế buông lời tục tĩu... Lời nói tục như ngồi sẵn trên môi, lúc nào cũng văng tục được, nói một câu là đệm một tiếng chửi thề”.

 

Giải pháp trị “căn bệnh” ứng xử thiếu văn hóa, trong đó có nói tục nói bậy ở nông thôn, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đan Phượng đề xuất: Quan trọng nhất là nâng cao ý thức, nâng cao trình độ để người dân có những ứng xử thiếu văn hóa tự biết nhìn nhận hành động của bản thân là xấu. Cần tác động lâu dài theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, bởi nói tục, chửi bậy đã trở thành thói quen cần phải tác động lâu dài,“đấu tranh” trường kỳ mới mong có hiệu quả”.

Thạc sĩ tâm lý học Ngô Toàn cho rằng: “Cách để giảm bớt đi vấn đề xã hội phải được giải quyết bằng đời sống xã hội. Chắc chắn không phải bằng những văn bản hành chính mà bằng đời sống con người. Cần tạo lập cho cuộc sống xã hội sự cân bằng, giảm bớt bất công, bất bình đẳng xã hội, giữa các tầng lớp, vùng miền. Riêng cá nhân phải có cơ hội bộc lộ mình được quyền sống với chính mình mà không phải sự giả dối. Cần phải tạo ra sự rõ ràng, minh bạch trong đời sống. Có như vậy mới hy vọng chuyển “rác” thành “hoa”.