Vụ việc xuất phát từ chuyện hai luật sư (LS) Cao Thế Luận (Đoàn LS tỉnh Bạc Liêu) và LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) bị TAND quận 1 (TP.HCM) từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho một bị cáo mà tòa này sắp đưa ra xét xử. Hai LS này “tố” TAND quận 1 không tạo điều kiện tốt nhất để LS tham gia bào chữa cho bị cáo. Từ đó, LS Phạm Công Út, người nghe các luật sư nêu trên kể lại vụ việc và LS Quynh đưa thông tin liên quan lên Facebook...
Luật sư: Tòa làm thiếu trách nhiệm
Bà Vũ Thị Loan - mẹ bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Phong, người bị truy tố về tội cố ý gây thương tích mà TAND quận 1 đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử - kể: vào tháng 1.2014, con bà có mâu thuẫn với T. T cùng bạn đến gặp Phong để giải quyết mâu thuẫn và đôi bên xảy ra xô xát. Phong lấy dao để tự vệ và làm T bị thương tật trên 40%. Phong bị bắt giam và bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích.
Khi hồ sơ vụ án của Phong chuyển đến tòa, bà Loan tới nhờ LS Luận và LS Quynh bào chữa cho con bà. “Ban đầu tôi nhờ LS Luận nhưng sau đó LS báo lại là không được tòa cấp giấy chứng nhận bào chữa nên không thể tham gia phiên tòa. Ngày 17.6, tòa mở phiên tòa xử lưu động nhưng phải tạm hoãn do con tôi yêu cầu có LS. Sau đó, tôi tiếp tục nhờ LS Quynh nhưng cũng bị tòa từ chối vì không có chữ ký mời LS của con tôi”- bà Loan kể.
LS Luận kể thêm: “Gia đình bị cáo nhờ tôi lúc đã cận kề ngày xét xử. Trước hôm diễn ra phiên tòa, tôi có đến TAND quận 1 nộp hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận bào chữa. Tuy nhiên, tòa cho rằng bị cáo đã thành niên mà tôi lại không có giấy yêu cầu mời LS của bị cáo nên từ chối cấp giấy chứng nhận. Việc này làm ảnh hưởng quyền lợi của bị cáo...”.
LS Quynh nói: “Tôi lên TAND quận 1 nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết yêu cầu. Lúc thì thẩm phán nghỉ phép, lúc thì thư ký không chịu nhận hồ sơ. Lần thứ ba lên thì thẩm phán cứ một hai cho rằng theo Điều 57 BLTTHS, bị cáo đã trên 18 tuổi nên LS phải vào trại giam gặp bị cáo lấy chữ ký, có văn bản thể hiện sự đồng ý của bị cáo thì tòa mới cấp giấy. Thế nhưng do tòa không cấp giấy nên khi tôi đến trại giam thì bảo vệ không cho vào. Tôi sẽ khiếu nại về việc tòa cản trở không nhận hồ sơ của tôi, tôi sẽ tố cáo luôn về việc làm thiếu trách nhiệm của tòa khiến tôi phải đi lại nhiều lần, mất thời gian và tiền bạc…”.
Mẹ bị cáo Phong (thứ hai từ phải) đang trao đổi với LS Phạm Công Út (bìa trái) và LS Nguyễn Văn Quynh (bìa phải). Ảnh: Ngân Nga
Tòa: luật sư không làm hết trách nhiệm
Bà Huỳnh Ngọc Thanh Thủy - Phó Chánh án TAND quận 1 - cho biết: Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP, Điều 57 BLTTHS và khoản 1 Điều 141 BLDS quy định trường hợp bị cáo trên 18 tuổi, chỉ có họ mới có quyền yêu cầu người bào chữa và phải có văn bản thể hiện ý chí của bị cáo thì tòa án mới xem xét giải quyết. tòa đã hành xử đúng pháp luật khi từ chối cấp giấy bào chữa trong vụ này.
“Điều 58 BLTTHS quy định LS được vào trại giam ngay cà khi chưa có giấy chứng nhận bào chữa. Tôi cho rằng đã nhận bào chữa thì phải làm hết trách nhiệm, khả năng của mình, nếu lúc đó không được thì tính tiếp. Chỉ đơn giản là LS mang cái đơn của bà mẹ tới để cho bị cáo ký xác nhận là xong nhưng LS không làm” - bà Thủy nhấn mạnh.
Về chuyện LS nói rằng đã đến trại tạm giam nhưng cán bộ trại giam không cho vào gặp bị cáo. Bà Thủy trả lời: “LS có gì chứng minh rằng có tới trại giam? Tại phiên tòa tới, tòa sẽ hỏi bị cáo có đồng ý mẹ bị cáo nhờ LS hay không. Nếu bị cáo đồng ý thì sẽ cho người đánh máy cấp giấy chứng nhận để LS tham gia phiên tòa”.
“Nhưng Nghị quyết số 03/2004 cũng nói tòa có thể thông báo cho bị cáo biết gia đình bị cáo đang mời luật sư?” - PV hỏi. Bà Thủy nói: “Trước đó tòa đã giải thích cho bị cáo biết bị cáo có quyền nhờ LS bào chữa rồi”.
Thẩm phán Phạm Thị Thu Phương (người thụ lý vụ án) nói thêm: “Tòa đã hoãn phiên tòa hôm 17.6 để bị cáo mời LS nhưng tới nay vẫn chưa nhận được yêu cầu nào của bị cáo. Chính bị cáo không thực hiện quyền của mình. LS trong vụ này là người không có trách nhiệm. Cụ thể, ngày 17.6 tôi mở phiên tòa thì ngày 16.6 LS Luận mới tới. Nếu giả dụ LS được cấp giấy đi, đến sáng mai ra phiên tòa thì có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo không?”.
“Chúng tôi sẽ làm tới”
Phó Chánh án Thủy cho biết việc hai LS Phạm Công Út và Nguyễn Văn Quynh đăng bài trên Facebook xúc phạm tòa án, thẩm phán, làm giảm uy tín của tòa là trái với đạo đức LS. “Nếu LS thấy tòa không đúng thì có thể gửi văn bản và nêu quan điểm. Đằng này LS Quynh đã phát tán trên mạng một số thông tin sai sự thật” - bà Thủy nói.
“Từ các status này, những người không am hiểu pháp luật hiểu sai đã “ném đá” tòa bằng những comment không hay. Tôi cảm thấy bị xúc phạm vô cùng” - thẩm phán Phương nói.
Nói về những status trên trang Facebook cá nhân mình, LS Út và LS Quynh cho biết: “Chúng tôi chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình trên mạng xã hội nhưng tôi không chịu trách nhiệm về những comment của những người khác. Chúng tôi nghĩ tòa nên xem lại việc không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS đã đúng theo quy định của pháp luật hay chưa. Tòa nên thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho LS theo Nghị quyết số 03/2004, để không làm ảnh hưởng đến quyền của bị cáo. Nếu tòa quận 1 cho rằng đó là quy trình của họ thì chúng tôi sẽ kiến nghị. Còn tòa cho rằng chúng tôi vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì tòa cứ làm theo quy định của pháp luật”.
Tòa có thể hỏi bị cáo đồng ý không
Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 BLTTHS thì người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo được lựa chọn người bào chữa cho bị can, bị cáo. Để thi hành đúng quy định này cần phân biệt như sau: (…) b. Đối với bị can, bị cáo là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa, do đó trong trường hợp người thân thích của họ hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ thì cần phân biệt như sau:
b.1) Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa đã có sự đồng ý (hoặc sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa;
b.2) Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa chưa có sự đồng ý (hoặc không có sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì tòa án yêu cầu người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người khác thực hiện việc lựa chọn người bào chữa phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo. Tòa án cũng có thể thông báo cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam biết việc người thân thích của họ hoặc người khác đã lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ và hỏi họ có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để người bào chữa thực hiện việc bào chữa.
(Trích Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)