Thời gian qua, một số ý kiến trên các mạng xã hội bàn luận việc cha mẹ đưa con đi thi vừa gây sức ép tâm lý, vừa cản chở quá trình con tự lập.
Trước ý kiến trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ, ông cũng từng chứng kiến, nhiều ông bố, bà mẹ ở thành phố bỏ việc đưa con đi thi đại học. Đây là cách quan tâm phổ biến của người Việt trong kỳ thi trọng đại của con cái. Tuy nhiên, điều này lại chưa hẳn tốt.
Theo ông, cha mẹ yêu thương, có thể làm cho các con những việc như: Động viên tinh thần, hỏi han, ân cần kiểm tra sự chuẩn bị cho ngày thi của con... thay vì chuẩn bị đồ cho con, chở con đi thi. Sau đó, ngồi vạ vật, đợi đưa con về. Điều đó vô tình làm các em có tư tưởng “ỷ lại vào người lớn”.
“Nên nhớ, lúc vào thi, các em phải tự lập làm bài hoàn toàn. Hỏi rằng, đứa trẻ – mà cái gì cũng trông vào bố mẹ, lúc làm bài thi liệu có đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác không? Hay thiếu sự chăm sóc của cha mẹ là kém ngay. Do vậy, nên rèn cho các em tính tự lập”, chuyên gia tâm lý bày tỏ.
Theo ông, các doanh nghiệp nước ngoài thường ca thán kỹ năng của cử nhân, kỹ sư nước mình kém, không sử dụng được. Một phần nguyên nhân do chăm bẵm quá sức của cha mẹ làm đứa con luôn non nớt.
“18 tuổi. Ngủ thì bố mẹ gọi mới thức dậy, đi học, đi thi bố mẹ sắp đồ đạc giấy tờ, đưa đi... vậy sau này cơ quan nào chấp nhận tuyển dụng vào làm việc người như thế?”.
Do vậy, nếu các em nhỏ cấp 1, cấp 2... bố mẹ có lý khi đưa con đi thi. Nhưng thi “tú tài” tuổi 18 thì cha mẹ nên để các con tự lập. Trừ trường hợp đặc biệt, các em ở nông thôn, vùng xa lần đầu đến thành phố đi thi.
Ông Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cũng đồng cảm với các bậc cha mẹ bỏ công việc, đưa con đi thi. Thậm chí giữa người trong làm bài thi với bố mẹ bên ngoài vạ vật ngồi đợi, chưa biết ai căng thẳng hơn ai.
Đồng tình với ý kiến nên tạo điều kiện cho các em tự lập, tự đi thi nhưng ông Trịnh Hòa Bình lưu ý khu vực xuất thân, môi trường cọ xát thường ngày của các em. Nếu phụ huynh đã tập rượt cho các em tự lập từ nhỏ, có thể yên tâm để các cháu tự đi thi. Nhưng nếu chưa làm được như vậy thì vẫn phải nhận sự hỗ trợ từ gia đình.
“Trường học ở nước phát triển, ngay từ nhỏ trẻ em đã được tôn trọng cá thể, cá nhân. Trẻ em tự tin, tự lập ngay từ cấp 1, thay vì 18 tuổi vẫn phải bố mẹ đưa đi thi, hỗ trợ... Chừng nào con cái chưa “tung cánh” thoát khỏi cha mẹ, lúc ấy bố mẹ vẫn phải phục vụ con cái”, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho hay.
Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển cho rằng, chuyện người nhà đưa thí sinh đi thi là tình cảm riêng trong nhà, không ai có thể can thiệp.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, điều kiện hiện tại của các trường học không có chỗ dành cho cha mẹ đợi con trước cổng trường. Trên thực tế, không thể có trường học nào đáp ứng được chuyện đó, ngay như ở nước ngoài cũng vậy.
Do vậy, vào kỳ thi nảy sinh trường hợp cha mẹ mệt mỏi, lo lắng ngồi, nằm la liệt phía cổng trường. Thành ra, nhiều khi các con làm bài thi bên trong lo lắng ngược lại cho bố mẹ đang vạ vật bên ngoài. Đây là điều phụ huynh nên cân nhắc. Hơn nữa, các em 18 tuổi, cha mẹ nên tạo điều kiện để các em tự lập “cứ bao bọc, chăm bẵm mãi chưa hẳn đã tốt”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đến tuổi 18, các cháu đã có thể tự lập (ở nước ngoài, thậm chí ít hơn tuổi 18 đã tự lập được rồi). Nhưng các bậc cha mẹ thường lo lắng, chăm chút cho con nên đưa con đi thi để yên tâm hơn. Trong mắt người mẹ Việt Nam, con cái 60 tuổi vẫn là trẻ con của mẹ. Đó là điều rất riêng biệt của người Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện giao thông, ăn ở... chưa thật sự khiến các bậc phụ huynh yên tâm. Thành ra, con cái 18 tuổi thi bên trong, bố mẹ vạ vật bên ngoài rất khổ. Tuy nhiên, tốt nhất, nếu có điều kiện, phụ huynh nên để các cháu tự lập, thoát vòng tay bố mẹ. |