Dân Việt

Bóng đá Việt: Bị chèn ép, cầu thủ không thể “tự vệ”

20/12/2012 06:05 GMT+7
Dân Việt - Không hiểu luật, không có đại diện bảo vệ, không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ VFF, các cầu thủ bất đắc dĩ phải chọn giải pháp nhượng bộ để cứu vãn sự nghiệp trong thời điểm bóng đá Việt suy thoái.

"Ngậm bồ hòn làm ngọt"

"Làn sóng" ông bầu bỏ bóng đá, CLB giải thể đã khiến khoảng 300 cầu thủ ở V.League và giải hạng Nhất rơi vào cảnh thất nghiệp. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cầu thủ sống lay lắt với nghề ở những đội đang mấp mé chuẩn bị "rút ống thở", bỏ cuộc chơi.

Đáng nói hơn, ở trong hoàn cảnh khó khăn đó, họ-những cầu-thủ-người-lao-động, không biết hoặc không dám đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Suốt thời gian qua, chỉ có duy nhất một “đốm lửa” nhỏ mang tên V.Ninh Bình xuất hiện, và cuộc đình công đòi lương một cách tự phát ấy đã nhanh chóng bị dập tắt.

img
Cầu thủ V.Ninh Bình (phải) chấp nhận giảm lương 50% để "chiều lòng" lãnh đạo.
Ảnh: Minh Hoàng

Thậm chí, những cầu thủ Ninh Bình còn phải trả giá cho những đòi hỏi chính đáng của mình. Họ bị lãnh đạo đội-những người sử dụng lao động, phạt 1 tháng lương. Và mới đây nhất, các cầu thủ của đội bóng này lại phải đối diện với quyết định giảm 50% lương do lãnh đạo đội đơn phương đưa ra.

“Chúng tôi không biết phải làm gì lúc này. Hiện có nhiều cầu thủ còn đang “ngồi chơi xơi nước”, không có môi trường mà tập luyện, thi đấu. Thế nên chúng tôi có đội bóng để chơi là tốt rồi. Tôi ao ước có một ai đó (có thể là một luật sư) đứng ra thành lập Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ”, thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng (V.Ninh Bình) nói.

img
Thành Lương (trái) bí mật về tương lai của mình. Ảnh: Minh Hoàng

Suy nghĩ của Dũng có lẽ cũng là suy nghĩ chung của các cầu thủ có “số” của Navibank.SG như Tài Em, Long Giang, Việt Cường.., khi họ không có lựa chọn nào khác là giảm 30% lương để được chuyển tới Sài Gòn.XT tiếp tục thi đấu V.League 2013.

Trường hợp của Quang Hải dù chưa chính thức theo các đồng đội "cập bến" Sài Gòn.XT (theo cuộc chuyển giao từ Navibank.SG), nhưng gần như khó có “cửa” nào khác cho anh. Bởi lẽ, cái giá "chuộc thân" đền bù 1 năm hợp đồng mà Sài Gòn.XT đưa ra với anh, là 3,5 tỷ đồng. Một con số lớn ở thời buổi thị trường chuyển nhượng của bóng đá Việt tục dốc thê thảm như hiện tại. 

VFF cũng chỉ biết… khuyên

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Khách quan mà nói tâm lý bo bo “giữ thân” của giới "quần đùi áo số" cũng khiến họ trở nên đơn độc khi gặp phải trường hợp bị xử ép.

Thêm nữa, không có nhiều cầu thủ ý thức được tầm quan trọng của các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ lao động với các ông bầu. Nói như ông Trần Duy Ly, Trưởng ban tổ chức V.League thì “chỉ khi quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng, cầu thủ mới bắt đầu phản ứng. Có cầu thủ nào chịu động tới quy chế bóng đá chuyên nghiệp để biết cách hành xử cho đúng luật, vì cái chung đâu”.

Tiền đạo Quang Hải: “Tôi chỉ buồn và thấy thương các đồng đội. Rất nhiều người ở Navibank.SG trước đây sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp”.

Vậy nên, các ông bầu mới dễ dàng thực hiện chính sách "chia để trị". Như trường hợp cụ thể của Navibank.SG, mọi thứ chắc chắn sẽ rất khác nếu nhóm cầu thủ trụ cột của đội bóng này không vội vàng đồng ý chuyển tới Sài Gòn.XT, mà ở lại sát cánh cùng anh em đòi hỏi quyền lợi chính đáng.

Đứng trước thực trạng trên, quan chức VFF cũng chỉ biết lên tiếng khuyên cầu thủ nên thỏa hiệp, thương lượng với đội bóng, thay vì kiện cáo. Gần đây, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ hứa sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế bóng đá chuyên nghiệp theo hướng bảo đảm và bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của cầu thủ. Nhưng sửa như thế nào và bao giờ xong thì vẫn chưa rõ!

Tiền vệ Đinh Thanh Trung-người đã nhờ tới luật sư vào cuộc, “thoát” khỏi đội bóng Hà Nội của bầu Kiên để chuyển tới Quảng Nam, cho biếti: “Không ai muốn kiện cáo làm gì nhưng khi cần thì phải mạnh dạn, đối mặt làm việc rõ ràng trên cơ sở hợp đồng đã ký kết để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Và hoàn toàn dễ hiểu khi lúc này hầu hết các cầu thủ vẫn còn “của ăn của để” đều chọn cách phát ngôn chung chung, âm thầm tìm cách cứu lấy tương lai của chính mình, chứ không dám "to mồm" đòi quyền lợi cho mình và các đồng đội. 

“Tôi muốn dành thời gian ở bên người thân, chăm sóc gia đình, bù lại những ngày đi tập luyện, thi đấu biền biệt. Khi có anh em bạn bè rủ, tôi lại đeo giày đi “đá phủi” để duy trì phong độ.

Tôi vẫn còn hợp đồng với Hà Nội và thực chất, đội bóng chỉ không đăng ký dự mùa giải 2013, chứ có giải tán đâu (?!). Thời gian qua, chúng tôi vẫn nhận lương đều mà”, Thành Lương nói.

Cách đây 1 năm, La Liga đã phải tạm hoãn do các câu lạc bộ nợ lương khoảng 200 cầu thủ. Lập tức Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Tây Ban Nha (AFE) tiến hành làm việc với Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Tây Ban Nha (LFP) để giải quyết khúc mắc. Một số ngôi sao của Real, Barca vốn không hề bị nợ lương cũng chia sẻ với các đồng nghiệp bằng cách đồng loạt lên tiếng ủng hộ đình công. Cuối cùng, LFP đã phải cam kết trả đủ tiền lương để mùa giải tiếp tục diễn ra.