Đói nghèo, một chữ bẻ đôi không biết
Nhớ lại những năm tháng đó, dân bản hễ gặp nhau là hỏi về cái đói, hết lo xuôi lại lo ngược. Đất canh tác trong xã lúc ấy chỉ cấy được 1 vụ lúa, năng suất cao lắm thì được 30 tạ/ha. Vậy nhưng nhiều gia đình thu hoạch xong mùa cũng là lúc hòm thóc trống trơn. Mèn mén, củ mài, sắn luộc, sắn nấu canh là thức ăn chủ yếu của dân bản. Vì thế chẳng ai có thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện đi học chữ. Ngay cả bây giờ, đa phần người lớn trong bản ở tuổi ngoài 40 đều “một chữ bẻ đôi không biết”.
“Khoác chiếc áo mới”
Trò chuyện với chúng tôi, những người dân bản San ai cũng nhắc một cách trìu mến đến con đường liên bản và những người chiến sĩ biên phòng. Con đường ấy chính là sáng kiến của cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Trịnh Tường tham mưu cho lãnh đạo địa phương để tháo gỡ cái nghèo giúp dân bản. Mấy chục cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại nắng mưa cùng bà con bạt đất, san đồi mở con đường nối xã với bản. Đường có rồi, nhưng để trẻ em đến được lớp, xóa mù chữ được cho dân bản là cả một thách thức. Bộ đội biên phòng đã đứng ra vận động nhân dân, cùng đóng góp công sức vào rừng chặt tre, cắt lá dựng trường. Trường làm xong, các anh lại đến từng nhà vận động cho trẻ tới lớp, vận động bà con tham gia lớp học xóa mù chữ… Nhiều hộ gia đình trong bản trước kia cả hai vợ chồng nghiện thuốc phiện, bỏ bê con cái. Từ ngày được bộ đội biên phòng vận động đi cai nghiện trở về, giờ đây cũng đã có cuộc sống tương đối ổn định...
Bản San như được khoác trên mình chiếc “áo” mới. Trên các cánh đồng không còn cảnh bỏ hoang vì thiếu nước như trước kia mà xanh mướt bởi những ruộng ngô đang trổ cờ. Nhìn cảnh bản làng, quê hương đang đổi mới từng ngày, già làng Vù A Hữu vui vẻ nói ví von: “Chiếc áo mới” mà quê tôi đang khoác trên mình phần lớn là do công sức của bộ đội biên phòng may nên đấy!