Dân Việt

Sản xuất nhỏ lẻ, nông dân “tự bơi”

Mai Hương 08/07/2015 14:38 GMT+7
“Nhiều khả năng thịt gà, thịt heo, thịt bò ngoại… sẽ tràn ngập Việt Nam khi mở cửa thị trường theo thỏa thuận TPP. Bởi với mức thuế hiện hành và giới hạn số lượng thịt nhập khẩu hàng năm mà thịt heo, thịt gà của ta đã không cạnh tranh nổi”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) đã bày tỏ quan điểm trước lo ngại ngành chăn nuôi trong nước có thể bị xóa sổ trước cánh cửa TPP tới đây. Theo bà Chi Lan, Việt Nam cần có những nghiên cứu, đánh giá thật kỹ bức tranh thị trường chăn nuôi trong nước như thế nào nếu TPP thành hiện thực để có giải pháp ứng phó”.   

Nguy cơ bị xóa sổ

Theo chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng, hội nhập không phải là một sân chơi bình đẳng cho tất các các đối tác. Ông Thắng ví dụ các nước công nghiệp phát triển (OECD) trợ cấp 300 tỷ USD/năm cho nông nghiệp; một con bò của Liên minh Châu Âu (EU) được trợ cấp 1 USD/ngày (cao hơn mức thu nhập ở ngưỡng nghèo theo quy định Liên Hiệp Quốc). Trong khi phần lớn chăn nuôi của Việt Nam là nhỏ lẻ và do nông dân “tự bơi”.

img

Khả năng mặt hàng thịt heo nội sẽ khó cạnh tranh khi mở cửa thị trường theo thỏa thuận TPP.

Khắc họa thêm bức tranh nhiều mảng tối, ông Lê Bá Lịch -Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nêu thực tế: TPP đối với ngành chăn nuôi Việt Nam là thách thức lớn do thực trạng ngành chăn nuôi của ta là nhỏ lẻ và cạnh tranh về giá. Chăn nuôi gà Việt Nam hiện không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị xóa sổ. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi nhưng giá thành sản phẩm vẫn rất cao... Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi heo, bò và gà có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Báo cáo mới nhất của Viện Chính sách Tài chính vừa công bố cũng chỉ ra rằng, ngành chăn nuôi không có nhiều thuận lợi trong khi TPP tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Các sản phẩm chăn nuôi của một số nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam.

Việc giảm thuế trong TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá thành rẻ. Sản phẩm chăn nuôi đứng trước sự cạnh tranh gay gắt và nông dân sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chỉ đơn cử, các quy định về nước thải từ trại chăn nuôi hiện nay lại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tại Thái Lan và các nước tiên tiến khác, nước thải chỉ cần ủ và lọc qua hầm biogas là có thể tưới cho cây công nghiệp, nông sản… trong khi Việt Nam yêu cầu xử lý nước thải đạt loại A, dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp chăn nuôi cao hơn, khó cạnh tranh hơn.

Thực tế hiện nay, các sản phẩm chăn nuôi ngoại như thịt bò, lợn, gà đã khá phổ biến trên thị trường dù có mức thuế nhập khẩu từ 5-7%. Các siêu thị ở các đô thị lớn đã bày bán la liệt bò Australia, bò Mỹ với giá rất cạnh tranh so với sản phẩm chăn nuôi nội. Thịt ngoại đang có xu hướng không thể thiếu trong thực đơn của không ít gia đình người Việt.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, chỉ trong năm 2014, nước ta đã nhập 181.534 con bò, trâu sống từ Australia và Ấn Độ, và kim ngạch nhập khẩu 2 loại gia súc này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Nước ta không chỉ nhập khẩu nhiều một số loại gia súc mà hiện thịt đông lạnh nhập khẩu đã phủ kín các phân khúc thị trường, vì giá thành sản xuất thịt của các nước trên đang rẻ hơn Việt Nam 25 - 35%.

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Một thực tế khiến ngành chăn nuôi trong nước ốm yếu là do năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… Theo thống kê, trong số 20 nước có tổng đàn heo nái đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng cuối bảng về năng suất sinh sản. Ở các nước như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… trung bình mỗi heo nái sinh sản 26 con heo con/năm, thì heo của Việt Nam chỉ sinh sản được khoảng 16 con/năm.

img

Chăn nuôi heo theo kiểu nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh khi gia nhập TPP.

So với các nước như Trung Quốc có đàn heo nái lớn nhất thế giới với gần 50 triệu con, thứ hai là Hoa Kỳ với trên 5,8 triệu con, thì Việt  Nam đứng thứ ba với gần 4,5 triệu con. Tuy nhiên, khi tính đến sản lượng thịt xuất chuồng (kg/nái/năm), Việt Nam bị tụt xuống tới hàng 20 với năng suất rất thấp. Những điều này cho thấy bài toán cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước khó khăn rất nhiều khi thị trường mở cửa và khi TPP được ký kết, bởi lúc ấy các dòng thuế sẽ bị kéo về mức 0%, đồng nghĩa với việc không thể dùng chính sách thuế để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước.

Thời gian qua, không ít chính sách ưu đãi tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Nhà nước ban hành nhưng mức lãi suất cho chăn nuôi hiện vẫn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%, dài hạn là 10-11%/năm; trong khi tại nhiều nước, mức lãi suất dành cho chăn nuôi chỉ ở mức 6%/năm, thậm chí có nước 4%/năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không sớm có các biện pháp ứng phó phù hợp, khả năng bị thu hẹp của sản xuất chăn nuôi trong nước là điều dễ nhìn thấy. Nói cách khác, Việt Nam sẽ có thể sớm trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các nước khác trong khu vực và thế giới.

Nếu không muốn chậm chân, Việt Nam phải hình thành ngay quy hoạch và xây dựng ngay các vùng chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn, chất lượng để sản xuất. Ngành chăn nuôi trong nước phải tìm cách để nâng cao chất lượng thịt, hạ giá thành chăn nuôi, tạo ra giá bán cạnh tranh trên thị trường và tạo ra được chuỗi thị trường ổn định, bền vững.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú -  Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lưu ý, người chăn nuôi phải chủ động, thay đổi tư duy sản xuất, tức là phải liên kết với nhau, tạo nên một chuỗi thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ. Chăn nuôi trong nước phải chủ động được con giống, thức ăn, thuốc thú y… thông qua sự liên kết với các doanh nghiệp. Có như vậy giá thành sản phẩm mới mong hạ xuống, sức cạnh tranh với các loại thịt ngoại nâng cao hơn.