Nguyễn Thị Huyền là “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam. Tại SEA Games 28, nữ vận động viên người Nam Định giành hai HCV, phá hai kỷ lục đại hội, đồng thời giành vé dự Olympic 2016 tại Brazil. Trở về từ Singapore, Nguyễn Thị Huyền lại lập thêm chiến tích mới khi giành hai HCV châu Á trên đất Thái Lan.
Nguyễn Thị Huyền nói chuyện rất hào hứng về điền kinh, về những kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, khi nhắc đến gia đình, cô gái người Nam Định bỗng thu mình lại, giọng lạc đi.
Nguyễn Thị Huyền sinh ra tại Ý Yên (Nam Định). Năm lớp 9, cô được đưa lên thành phố tập huấn 1 tháng chuẩn bị thi Hội khỏe phù đổng. Nhớ mẹ, "cô gái vàng" của điền kinh Việt Nam khóc rất nhiều, từng xin các thầy cô cho về. Ảnh: Đức Đồng.
Nguyễn Thị Huyền sinh ra đã thiếu sự chăm sóc của bố, tất cả những gì cô có là tình yêu thương của người mẹ. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam có một người chị gái nhưng kém may mắn, sinh ra đã không được minh mẫn. Năm nay, người chị đó đã 30 tuổi nhưng chẳng biết làm gì, cứ mẹ đi làm là bỏ trốn đi chơi.
“Tôi đi tập, thi đấu liên miên, một năm ở nhà chẳng được mấy bữa, bao vất vả dồn cả lên vai mẹ. Mẹ tôi năm nay 60 tuổi rồi, nhưng vẫn phải vất vả chăm con gái và làm hơn một mẫu ruộng”, Nguyễn Thị Huyền tâm sự.
Thương mẹ, kiếm được tiền từ chạy, Huyền lại gửi về quê. Rất nhiều lần cô nói mẹ dùng số tiền đó để thuê người cấy, gặt nhưng bà đều im lặng, rồi vẫn tự làm. “Mẹ bảo giờ tôi chạy tốt kiếm được tiền, nhưng không ai biết sau này ra sao. Bao nhiêu tiền tôi gửi về mẹ lại cất tiết kiệm để sau này cho chị em tôi”, vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành vé dự Olympic 2016 tại Brazil nói trong nghẹn ngào.
Với thành tích vừa đạt được tại Singapore và Thái Lan, Nguyễn Thị Huyền nhận được không ít tiền thưởng. Tuy nhiên, cô gái người Nam Định không dám phóng tay mua cho bản thân thứ gì, bởi ngoài tiền gửi về cho mẹ và chị, cô còn phải dành dụm để đóng tiền học. Huyền hiện là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Thể dục Thể thao tại Từ Sơn, Bắc Ninh, nhưng do đi tập huấn, thi đấu triền miên, cô nợ rất nhiều môn, số tiền nộp để học lại cũng không ít.
Tương lai Quách Thị Lan (trái) và Nguyễn Thị Huyền có thể trở thành chị chồng, em dâu. Ảnh: Đức Đồng.
Nhờ sự giới thiệu của đồng đội, đồng thời là đối thủ trên đường chạy Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền quen và yêu vận động viên Quách Công Lịch. Tuy nhiên, “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình, bởi bản thân còn quá nhiều lo toan cho mẹ và chị gái.
“Ước mơ lúc này của em chỉ là được vào biên chế nhà nước để sau này có cuộc sống ổn định. Đời vận động viên điền kinh ngắn lắm, trời thương thì ở đỉnh cao phong độ được mấy năm, nếu không may chấn thương thì coi như hết”, Nguyễn Thị Huyền tâm sự.
HLV Vũ Ngọc Lợi cho biết ông đã nhiều lần đề xuất cho Nguyễn Thị Huyền vào biên chế, nhưng chưa thành công. “Huyền đã cống hiến tám năm cho thể thao Nam Định, mang về rất nhiều thành tích. Gia đình em lại có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, tôi hy vọng thể thao Nam Định sẽ cho em vào biên chế. Tôi sẵn sàng nhường suất biên chế ngành của mình cho tài năng đặc biệt này”, ông Lợi nói.