Dân Việt

Thanh Hóa: Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

08/07/2013 11:41 GMT+7
(Dân Việt) - Trong những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều thành tựu đáng kể trong công tác giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ nhỏ - từ 31,3% (năm 2005) xuống còn 20,8% đối với thể nhẹ cân; từ 35,9% xuống 31,6% đối với thể thấp còi.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng cao

img
Cho trẻ uống VitaminA ở Trạm Y tế xã Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhân Ngày “Vi chất dinh dưỡng”

Theo báo cáo mới đây của Viện Dinh dưỡng, hiện nay tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi tại Việt Nam chiếm tỷ lệ 26,7% và SDD cân nặng là 16,2%. Hơn 50% số trẻ em thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày; tỷ lệ trẻ béo phì và thừa cân cũng đang gia tăng – đặc biệt là ở đô thị, cứ 3-4 trẻ em Việt Nam trong độ tuổi mầm non và tiểu học, thì có 1 trẻ có tình trạng dinh dưỡng không hợp lý (thiếu hoặc thừa dinh dưỡng). Riêng Thanh Hóa, tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi đang ở mức cao so với cả nước.

Năm 2012, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp, còi của Thanh Hóa chiếm 31,6% (trong khi đó, cả nước chiếm 26,7%); 20,8% trẻ SDD nhẹ cân (cả nước 16,2%); và 7,8% trẻ SDD gầy còm (cả nước 6,7%). Như vậy, Thanh Hóa đang đứng đầu cả nước về số lượng trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD nhẹ cân (70.000 trẻ) và thấp còi (100.000 trẻ); đứng thứ 2 cả nước về số lượng trẻ em bị SDD gầy còm (24.000 trẻ). Tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh chỉ đạt 53,9% (thành thị) và 59% (nông thôn); tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu là 5% (trong khi cả nước là 20%); không vắt sữa non lần đầu cho con bú là 48% (cả nước 70%); trẻ bú chính trong vòng 6 tháng đầu là 28% (cả nước 31%)…

Thành quả bước đầu

Theo bác sĩ, thạc sĩ Lương Ngọc Trương – Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS Thanh Hóa, cho biết: “Hầu hết, các bà mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức về chăm sóc, đặc biệt là kỹ năng thực hành; việc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cũng đang rất hạn chế, nên các bà mẹ vẫn tin dùng sữa công thức như một thói quen. Mặt khác, Thanh Hóa lại có địa bàn rộng (637 xã), tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, mạng lưới y tế ở thôn, bản không ổn định, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên hay thay đổi; kinh phí hoạt động ít...”.

Hiện nay, Dự án A&T, Tổ chức SC đang được triển khai tại 4 huyện (Cẩm Thủy, Thường Xuân, Tĩnh Gia, Hậu Lộc), nhằm cải thiện các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ, đã góp phần giảm thiểu tình trạng SDD trẻ em tại Thanh Hóa.

Cũng theo ông Trương, để giảm thiểu được vấn đề này, năm 2010, UBND tỉnh giao cho Sở Y tế Thanh Hóa tiếp nhận, thực hiện Dự án phòng, chống SDD trẻ em Alive & Thrive (A&T) giai đoạn 2010 – 2013 do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tăng gấp đôi trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; giảm tỷ lệ trẻ SDD thấp còi ở trẻ dưới 24 tháng tuổi ít nhất 2%/năm; cải thiện cho trẻ thực hành ăn bổ sung cả về số lượng lẫn chất lượng...

Một số mục tiêu cụ thể, như: Nâng cao năng lực cho các tuyên truyền viên cơ sở trong việc tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ, nâng cao kiến thức và kỹ năng của người chăm sóc trẻ về nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện và xã trong việc quản lý và điều trị trẻ bị SDD cấp tính, tăng tỷ lệ trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh... Hiện nay, Dự án A&T, Tổ chức SC đang triển khai tại 4 huyện (Cẩm Thủy, Thường Xuân, Tĩnh Gia, Hậu Lộc), nhằm cải thiện các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ, đã góp phần giảm thiểu tình trạng SDD trẻ em tại Thanh Hóa. Đây cũng là tỉnh đầu tiên thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả Quỹ chăm sóc sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sơ sinh theo Chỉ thị 04 ngày 10.10.2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế.