Ông đánh giá như thế nào về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua?
- Nếu dừng lại ở thời điểm này, tôi chưa thấy có gì mới. Vẫn như mọi năm, Bộ GDĐT lại đưa ra lượng thí sinh dự thi, vi phạm quy chế là bao nhiêu, huy động được bao nhiêu lực lượng xã hội tham gia phục vụ kỳ thi… và cuối cùng kết luận: Kỳ thi năm nay tốt hơn năm trước. Bộ GDĐT nói rằng thi 2 chung hạn chế tiêu cực, nhưng tôi vẫn thấy báo chí phản ánh phao thi rải trắng cổng trường, số lượng thí sinh vi phạm quy chế cũng vẫn nhiều, gian lận công nghệ cao đã xuất hiện... Về lãng phí, vẫn có hiện tượng cả hội đồng thi hơn 60 người phục vụ 1 thí sinh, phụ huynh và TS cũng vẫn rất vất vả đi thi, phải vật vã dưới trời nắng nóng suốt 4 – 5 ngày trời…
Nhiều giáo viên đánh giá đề thi năm nay đối với mục đích đỗ tốt nghiệp quá dễ nhưng trường “top” sẽ khó để tuyển được sinh viên giỏi. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Hiện tại vẫn chưa có điểm, phổ điểm để có thể khẳng định là đề thi có phù hợp với cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét vào ĐH-CĐ hay không. Việc nhận định về đề thi cũng chỉ là ý nghĩ chủ quan của một bộ phận giáo viên thôi. Bộ GDĐT cũng cần công bố công khai phổ điểm của từng môn thi sau khi có kết quả để xã hội đối chiếu. Ví dụ, phổ điểm có 70% thí sinh đạt trên trung bình thì đó là đề thi chuẩn, đã bám sát được thực lực của thí sinh, có thể tin cậy được. Nếu vẫn như mọi năm, con số trên trung bình (đỗ tốt nghiệp) được đưa ra lên đến 98 -99% thì coi như bỏ. Xã hội không thể không nghi ngờ một kết quả như thế được. Với yêu cầu xét vào các trường ĐH-CĐ cũng vậy, nếu phổ điểm lệch, khả năng phân hóa của đề thi kém, trường top trên muốn lấy cao cũng không được mà trường top dưới muốn lấy thấp cũng không xong.
Nhiều chuyên gia vẫn dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các cụm do Sở GDĐT chủ trì sẽ cao hơn cụm do các trường ĐH chủ trì. Bằng chứng là số thí sinh vi phạm quy chế thi bị bắt hầu hết ở cụm ĐH chủ trì. Điều này có thể hiện sự “lỏng tay” trong coi thi, thưa ông?
- Đó là lo ngại có thật. Bây giờ dư luận hãy “nín thở” để chờ kết quả xem có đúng vậy không? Còn theo tôi, có tiêu cực là điều không tránh khỏi ở kỳ thi chung này, trừ phi chúng ta nhân rộng được kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia ra toàn quốc. Kỳ thi của ĐH Quốc gia tổ chức trước đó được các chuyên gia giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều thành viên Chính phủ đánh giá rất cao.
Kỳ thi chỉ diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ thay vì 4- 5 ngày thi, chỉ 1 bài thi, làm bài trên máy tính, có điểm ngay sau khi kết thúc bài thi, không cần chờ đợi chấm thi và được thi nhiều đợt trong năm… hoàn toàn gọn nhẹ, không tiêu cực, không mệt cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Ngoài ra, phổ điểm kỳ thi này cũng đạt 75% trên trung bình rất phù hợp để xét tuyển, chứng tỏ đề thi ra rất tốt. Đây cũng không phải là hình thức thi mới mẻ, rất nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thành công. Bộ GDĐT cần tiếp thu, không nên sợ thí sinh “sốc” hay chính Bộ “sốc” mà không sử dụng phương pháp thi này.
Vậy, với kỳ thi THPT năm nay, các trường ĐH-CĐ liệu có gặp khó khăn gì trong việc xét tuyển sinh viên vào trường mình không thưa ông?
- Các trường cũng đang “nín thở” chờ điểm sàn của Bộ GD-ĐT lúc ấy sẽ nói cụ thể hơn được những khó khăn. Cái khó khăn trước mắt mà các trường đang nhìn thấy là phải đối phó với thí sinh “ảo”. Bộ GDĐT nói sẽ hạn chế được thí sinh “ảo” trong kỳ thi này nhưng thực chất “ảo” sẽ rất nhiều.
Bộ cho xét tuyển nhiều đợt kéo dài đến tháng 11 sẽ làm cho các trường phải quay cuồng, cực kỳ khốn khổ trong cuộc đua giành thí sinh, nhất là đối với các trường top giữa, top dưới. Thí sinh nộp hồ sơ rồi, thấy trường khác lấy điểm thấp lại rút hồ sơ, trường đủ chỉ tiêu rồi lại phải gọi thêm… cứ thế dai dẳng đến tháng 11 rất mệt mỏi.
Trước đây, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ cũng đã có kiến nghị Bộ GDĐT nên chia thời gian xét tuyển theo top trường. Top trên thì xét đến ngày bao nhiêu rồi đến top giữa rồi đến top dưới. Các trường sẽ tự đăng ký thời gian xét tuyển cho mình, cũng là tự chịu tránh nhiệm với “uy tín” của trường mình trong cuộc đua để có thí sinh…
Với chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, vẫn có nhiều hoài nghi về việc sẽ có nhiều thí sinh đỗ ĐH “ăn may” vì sự lơi lỏng trong coi thi. Vậy theo ông các trường cần làm gì để kiểm soát tình hình này?
- Phải siết chặt quy trình đào tạo, đào thải qua quá trình học. Cái này đáng lẽ ngành giáo dục phải làm trước khi áp dụng bất kỳ một đổi mới thi cử nào. Thế giới họ đã làm rồi, chỉ có 1 quy tắc, muốn học kiểu gì cũng được nhưng tất cả phương thức học chỉ có 1 chương trình, chỉ có 1 ngân hàng đề thi, thi ngẫu nhiên, đánh giá khách quan cho tất cả các kiểu học, chính quy, tại chức, vừa học vừa làm, từ xa…
Chìa khóa đổi mới giáo dục nằm ở chỗ đó, điều quan trọng là ngành giáo dục có nhận ra và quyết tâm thay đổi hay không. Còn nếu các trường coi làm giáo dục như làm kinh doanh thì phải chấp nhận chất lượng sinh viên kém...
Xin cảm ơn ông!