Mập mờ xác định bị hại
Ông Quyền là một nông dân làm kinh tế giỏi ở phường Hương Hồ, sở hữu hàng chục ha rừng trồng. Cuối năm 2012, thấy ở khu vực núi Kỳ Nam (phường Hương Hồ) có một khu đất bị bỏ hoang, ông Quyền thuê người khai hoang khu đất này để trồng rừng. Trong quá trình khai hoang, ông Quyền đốt thực bì làm cháy 13 cây thông và chặt bỏ 60 cây thông mọc tự nhiên ở đây. Khi ông Quyền cho người vận chuyển 60 cây thông xuống tập kết dưới chân núi thì các lực lượng chức năng của phường Hương Hồ đến lập biên bản.
Ngày 24.10.2013, ông Quyền bị Công an TX Hương Trà khởi tố, bắt tạm giam về tội “trộm cắp tài sản” với tang vật là 8,125m3 gỗ thông, được định giá hơn 12 triệu đồng. Bị hại trong vụ án được cho là Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Hồ 2. Ngày 7.3.2014, TAND thị xã Hương Trà mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Quyền 9 tháng tù giam về tội “trộm cắp tài sản”.
Sau khi ông Quyền làm đơn kêu oan, ngày 27.5.2014, TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế mở phiên phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Viện KSND thị xã Hương Trà để điều tra lại. Nguyên nhân khiến bản án sơ thẩm bị hủy bỏ là vì “vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng”.
Phán quyết của TAND thị xã Hương Trà khiến dư luận bức xúc bởi nhiều điểm bất thường của vụ án chưa được làm rõ, nhất là việc xác định bị hại. Theo tìm hiểu của PV, trên thực tế, khu đất mà ông Quyền khai hoang và chặt bỏ cây thông đã được UBND huyện Hương Trà (nay là thị xã Hương Trà) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Bùi Văn Thuận (ngụ phường Hương Hồ) trồng rừng dự án từ năm 2008 nhưng ông Thuận bỏ hoang. Khi ông Quyền khai hoang khu đất này để trồng rừng, ông Thuận không tranh chấp, không khiếu nại ông Quyền. Tuy nhiên, tại tòa, đại diện Viện KSND thị xã Hương Trà vẫn cho rằng bị hại trong vụ án này là HTXNN Hương Hồ 2 bằng việc đưa ra một quyết định giao đất được ký từ năm 1983 của UBND TP.Huế (thời điểm đó phường Hương Hồ thuộc TP.Huế).
Luật sư Dương Thị Mỹ (TP.Huế)- người bào chữa cho ông Quyền- cho biết: Việc truy tố bị cáo về tội “hủy hoại tài sản” là chưa khách quan, bởi khu đất bị cáo thuê người khai hoang là đất bỏ hoang và việc khai hoang là nhằm trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình chứ không phải để hủy hoại tài sản người khác.
Mặt khác, việc Viện KSND thị xã Hương Trà dựa vào quyết định của UBND TP.Huế cấp đất cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Hồ 2 để xác định quyền sở hữu số gỗ thông bị chặt là vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì không có căn cứ. Bởi lẽ, quyết định này chỉ ghi chung chung, không có đồ hoạ, trích thửa, cột mốc rõ ràng...
Bị trù dập?
Theo tìm hiểu, năm 2010, ông Quyền cùng nhiều người tố cáo những khuất tất, sai phạm tại dự án thủy lợi Tây Nam Hương Trà, như kê khai đền bù khống, chất lượng công trình kém. Sau tố cáo này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ và xử lý. Cuối tháng 12.2012, cùng thời điểm diễn ra hoạt động khai hoang nói trên, chính quyền thu hồi đất của gia đình ông Quyền để thực hiện dự án mở đường nhưng ông Quyền phản đối việc áp giá và không nhận tiền bồi thường.
Sau khi tòa tuyên án, ông Quyền và người thân của ông cho biết sẽ kháng cáo.