Dân Việt

Người phụ nữ không có gì để mất...

13/07/2015 16:24 GMT+7
Phụ nữ hạnh phúc là phụ nữ không có gì để mất - là câu nói của một nhân vật trong một bài báo xuân tôi đã đọc. Nghĩ theo cách này, tôi đích thực là một phụ nữ hạnh phúc.

Tôi không còn gì để mất, thậm chí là không có gì trong tay, ngoài đứa con hai tuổi hay khóc đêm. Đó là tôi của hai năm trước. Vừa dọn đồ ra khỏi nhà chồng, vừa bị cho nghỉ việc vì một hiểu lầm từ trên trời rơi xuống. Không tiền bạc, không công việc, không nhà cửa. Tự do là điều duy nhất tôi có.

img
Ảnh minh họa
Tôi nhớ cảnh mình khi ấy - ngồi giữa đống quần áo và sách. Trời mưa như bối cảnh nhàm chán của những bộ phim sầu não. Con gái tôi đi lại giữa đống ngổn ngang đó. 15 phút sau, chúng tôi bước ra khỏi nhà. Mất khoảng 30 phút giằng co với bố con bé, cuối cùng thì chúng tôi cũng chạy sang được nhà người bạn thân.

Kỳ lạ, đêm đó tôi đã ngủ một giấc rất ngon và rất sâu; không trằn trọc, không mộng mị, điều chưa từng có trong hai tháng trước đó. Sớm mai thức dậy, tôi thấy lòng nhẹ bẫng. Mình đã quyết định đúng. Điều duy nhất sai là mình đã không quyết định sớm hơn.

Cuộc hôn nhân với những lời nói dối triền miên, cờ bạc nợ nần và đầu gấu đến nhà, những đêm mất ngủ và người say rượu điên loạn… giống như một vũng bùn.

Nhưng, bước ra khỏi vũng bùn không phải là một vườn hoa. Tôi thấy mình thức dậy buổi sáng với nỗi sợ tương lai làm cho tê liệt. Giống như bạn đang ngủ và một cú thúc thẳng vào tim khiến bạn tỉnh dậy trong vòng chưa đến một giây. Nỗi sợ hãi tóm lấy trái tim. Ngày mai sẽ ra sao? Lấy gì để ở? Làm gì để sống? Làm sao để nuôi con? Tương lai con sẽ ra sao? Bố mẹ sẽ đau đớn thế nào? Những ý nghĩ tiêu cực như những bóng ma kéo tới mỗi lúc một đông, hàng đàn hàng lũ, nắm tay nhau, dày đặc. Tôi thấy mình nằm bẹp dí giữa đống bóng ma đó, ngực tức nghẹt, không thở được, đau đầu và cảm thấy không thể gượng dậy nổi. Rồi những buổi tối, cô con gái nhỏ khó ngủ khóc quấy. Con khóc - mẹ quát - con khóc, cứ thế loay hoay cả đêm. Tôi thấy đời mình không thể thảm hại hơn được nữa.

Vào đêm thứ ba, tôi bế con và nó đang khóc. Tôi biết, nếu mình cứ cáu gắt và căng thẳng thì con sẽ khóc mãi. Con gái bé bỏng của tôi đâu có lỗi và đâu phải chịu trách nhiệm với những đau khổ trong cuộc đời mẹ. Nếu bản thân tôi không thể điều chỉnh những căng thẳng của chính mình, thì con bé sao có thể điều chỉnh cảm xúc để không khóc nữa? Tôi tự tra vấn mình và quyết định khe khẽ hát một bài ca thiền. Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười/ An trú trong hiện tại/ Giây phút đẹp tuyệt vời. Tôi hít thở sâu, hát ru con bằng tất cả sự dịu dàng và tình yêu. Con bé bám chặt vào cổ mẹ, yên tĩnh trở lại. 10 phút sau, con ngủ.

Những ngày sau đó, tôi quyết tâm làm cuộc cách mạng đời mình. Không phải là kiếm tiền (dù chắc chắn tôi sẽ phải hùng hục làm việc để nuôi sống mình và con), cũng không phải xây nhà (tôi biết chắc mình khó làm được điều đó ở thành phố đắt đỏ này). Tôi xác định, dù không nhà và ít tiền thì tôi vẫn sẽ sống thư giãn và hạnh phúc. Tôi sẽ không-dành-thêm-một-phút-giây-nào-trong-đời-mình để đau khổ nữa. Tôi đã sống trong hoang mang, dằn vặt, kinh hãi bốn năm liền mới có thể thoát khỏi nó. Nếu tôi không thương lấy bản thân, không chăm sóc bản thân, không làm chính mình hạnh phúc thì ai sẽ cứu tôi đây?

Tôi sợ gì chứ? Tôi không sợ gì cả. Những gì đáng sợ nhất, những ngày tăm tối nhất, tôi đã đi qua rồi. Tôi bắt đầu những ngày mới của cuộc đời - những ngày mà tôi sẽ sống-không-sợ-hãi. Tôi bước ra đường và nghe xộc vào mũi mình những mùi thơm đủ loại. Mùi của những trái sầu riêng trên xe đạp ngoài phố. Mùi của cỏ vừa mới cắt. Mùi của nắng thơm vào buổi trưa. Mùi của một người đàn ông trong quán cà phê ngòn ngọt nồng nồng... Trước đây, chưa bao giờ tôi nhạy mùi như thế. Tôi có cảm giác mình đã bỏ bê và lãng quên chính mình quá lâu, giờ mới sống dậy.

Tôi làm một công việc mới và cố gắng tập trung từng năm phút một. Tôi cài chuông Mindfulness của thiền sư Thích Nhất Hạnh và thở sâu - cứ 15 phút một. Tôi bắt đầu chạy bộ. Tôi đi dạo với con gái mỗi tối, ngửi mùi ngọc lan thơm dịu dàng trong căn nhà nhỏ vừa mới thuê. Và tôi nhận ra, ở tuổi gần 30, mình có thể bắt đầu lại cuộc đời mình, sống một cuộc sống khác, yên bình và nhẹ nhõm. Chỉ cần mình muốn thế.

Tôi thích câu nói trong cuốn sách Chuyện chúng ta bắt đầu của nhà văn Mỹ Tobias Wolff: “Cuộc đời chúng ta là một câu chuyện, mà chúng ta có thể bắt đầu và kết thúc, vào bất cứ lúc nào”.