Dân Việt

Có thí sinh rớt tốt nghiệp nhưng "đậu" đại học

Nguyễn Dũng (Tiền Phong) 07/07/2015 07:38 GMT+7
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, ngày 6.7 các trường đại học chủ trì cụm thi tại TPHCM đã bắt đầu chấm thi. Tại ĐH Tôn Đức Thắng, đơn vị chủ trì cụm thi của thí sinh Bình Thuận, Long An và TPHCM đã bắt đầu làm phách sau khi kết thúc môn thi thứ nhất (chiều 1.7) và chấm thi liên tục kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Theo thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, phó hiệu trưởng, khu vực chấm thi được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi bài thi sẽ trải qua 3 vòng chấm. Dự kiến, công tác chấm thi sẽ hoàn tất vào ngày 15.7 và trường sẽ công bố điểm vào ngày 20.7.

Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm THPCM, đơn vị chủ trì cụm thi cho thí sinh TPHCM và tỉnh Tây Ninh dự kiến, ngày 15.7 sẽ hoàn tất công tác chấm thi.

img

 

Có thí sinh rớt tốt nghiệp nhưng 'đậu' đại học - ảnh 1 Giáo viên chấm bài thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM chiều 6.7

Trao đổi với PV, TS Trần Đình Lý, trưởng phòng Đào tạo trường đại học Nông Lâm TPHCM nhận định, việc thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi là điểm nhấn tích cực của quy chế và hình thức thi năm nay, tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt đại học như những năm trước đây sẽ giảm. Tuy nhiên, cũng có thể sẽ xuất hiện trường hợp trớ trêu khi có thí sinh rớt tốt nghiệp nhưng một số tổ hợp xét tuyển ĐH, CĐ lại “đậu”. “Nguyên do là một số thí sinh đăng ký các môn thi xét tốt nghiệp nhưng làm bài không tốt, điểm số các môn xét tốt nghiệp không đủ trong khi các môn đăng ký thêm để xét tuyển các tổ hợp môn thi vào ĐH, CĐ lại làm bài tốt”.

“Theo quy định, các tổ hợp môn của các thí sinh dù đủ điểm vào đại học cũng không được công nhận bởi trên lý thuyết, các em đã trượt tốt nghiệp thì không đủ điều kiện để xét tuyển ĐH, CĐ”.

 

TS Trần Đình Lý,
trưởng phòng Đào tạo trường đại học Nông Lâm TPHCM

 

 

Bên cạnh đó, kỳ thi còn có độ vênh giữa hai cụm thi quốc gia và địa phương bởi các thí sinh có học lực trung bình yếu nhưng đăng ký thi ở cụm thi địa phương sau khi đậu tốt nghiệp vẫn có thể đăng ký vào học các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng, trong khi, các em có học lực tốt hơn, đăng ký dự thi ở cụm thi quốc gia nhưng do áp lực cao nên rớt tốt nghiệp…

“Tuy nhiên, theo quy định, các tổ hợp môn của các thí sinh dù đủ điểm vào đại học cũng không được công nhận bởi trên lý thuyết, các em đã trượt tốt nghiệp thì không đủ điều kiện để xét tuyển ĐH, CĐ”, TS Lý nói.

“Ngoài ra, với kết quả bước đầu từ kỳ thi năm nay, gần như chắc chắn điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ cao hơn các năm trước đây”, ông Lý nhận định.

Cùng quan điểm điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ cao hơn các năm trước, ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân (TPHCM) nhận định: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay vẫn tiếp tục ở mức cao, bởi theo cấu trúc đề thi, việc các em học sinh đạt từ 5- 6 điểm mỗi môn là không khó”. 

Theo ông Độ, với cấu trúc đề thi này, các trường ĐH, CĐ tốp giữa sẽ khó chọn thí sinh bởi mức điểm trung bình khá sẽ rất nhiều, trong khi các trường tốp trên thì tương đối nhẹ nhàng. “Vì vậy, việc chọn ngành gì, trường nào, thí sinh cần phải cẩn trọng, đặc biệt là những thí sinh nằm ở mức điểm trên dưới 20”, ông Độ nói.