2 con, 3 cháu và 2 lần đăng ký kết hôn
Nhạc sĩ An Thuyên và nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm đăng ký kết hôn rồi tổ chức đám cưới vào mùa hè năm 1974 tại TP. Vinh (Nghệ An). Lúc đó, nhạc sĩ vẫn đang công tác tại Đoàn ca múa nhạc Nghệ An.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu kể, vợ chồng ông và vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên tổ chức đám cưới cách nhau đúng một ngày. Tấm pano trang trí trong đám cưới in hình đôi bồ câu, dòng chữ hạnh phúc lồng trong ảnh cô dâu chú rể do chính tay họa sĩ Tiêu Cao Sơn vẽ cho cả hai trên hai mặt.
Đám cưới hồi đó diễn ra tại hội trường khu văn công Đoàn ca múa Nghệ An vào mùa hè nắng nóng nên tổ chức mọi thứ rất giản dị nhưng ai cũng vui vẻ, thân tình.
Bức ảnh kỷ niệm về ngày nhận giấy kết hôn lần hai của vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên do con gái Bông Mai chụp. |
Sau đám cưới, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu đùa với nhạc sĩ An Thuyên, nếu sau này nếu hai bên sinh con trai và con gái đầu lòng thì sẽ kết tình thông gia. Năm 1975, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu sinh con gái đầu lòng và đến 1976, vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên mới sinh con trai là nhạc sĩ An Hiếu.
Tuy nhiên, sau này do trải qua nhiều lần di chuyển chỗ ở (hơn 20 lần chuyển chỗ ở Hà Nội) nên giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên đã bị thất lạc.
Theo BTV Bông Mai, con gái của nhạc sĩ An Thuyên thì vào tháng 12/2013 cả hai đã phải đi đăng ký kết hôn lại. Lúc trao tận tay giấy đăng ký kết hôn cho vợ chồng nhạc sĩ, lãnh đạo phường chúc ông bà sống với nhau đến đầu bạc răng long và ông bà còn đùa nếu sống với nhau được 40 năm nữa sẽ tổ chức đám cưới kim cương.
Còn Bông Mai trêu bố mẹ: “Sau 40 năm 'đôi bạn trẻ sống thử' để tìm hiểu nhau, ba mẹ đã có giấy đăng ký kết hôn. Chắc cũng ít người sống với nhau 40 năm, có 2 con, 3 cháu và 2 lần đăng ký kết hôn. Cũng nhờ các yêu cầu của thủ tục hành chính mà ba mẹ đã được sống trong thời khắc khó quên này! Ba mẹ đã hơn 60 rồi, sống được 40 năm bên nhau. 40 năm lại đăng ký một lần càng thích…”, chị tếu táo.
Thời điểm đó, khi biết tin vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên và nghệ sỹ Huyền Lâm vừa nhận được giấy đăng ký kết hôn nhiều người còn trêu lần này ông bà phải tổ chức tuần trăng mật thật dài để bù cho lần đầu chưa biết gì về trăng mật.
Mê đĩa hát cổ và máy ảnh cổ
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể, lúc sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên không chỉ đam mê âm nhạc mà còn mê sưu tập máy hát cổ, mê chụp ảnh… Đến nhà riêng của ông nhiều người vô cùng bất ngờ trước cả trăm chiếc máy hát cổ chạy đĩa than có giá trị tiền tỷ. Nhiều người từng “gạ” nhạc sĩ đổi máy hát lấy một căn nhà giữa phố cổ Hà Nội nhưng ông vẫn không chịu đổi.
Bộ sưu tập máy hát cổ trong phòng làm việc của nhạc sĩ An Thuyên mà ông dày công sưu tầm từ nhiều năm. |
Ông bảo, ông thích câu thơ của Esenin: “Nếu có ai các vàng để đổi lấy vầng trăng vạn thuở của nước Nga/ Tôi vẫn không bao giờ đánh đổi”. Theo nhạc sĩ Khúc hát sông quê, với nhạc sĩ An Thuyên những chiếc máy hát cổ đó không chỉ là vật chất mà còn tình yêu của ông gửi gắm trong đó.
Những chiếc máy hát đó được nhạc sĩ mua trên mạng ở nhiều “chợ ảo” của nước ngoài với giá rẻ rồi thuê thợ sửa chữa, phục sinh lại. Có những máy hát đã chết ông mua lại được với giá rẻ bất ngờ nhưng khi sửa xong lại chạy ngon lành như máy mới.
“Tôi cũng nhiều lần đi công tác cùng An Thuyên, lúc nào cũng thấy anh lăm lăm máy ảnh trên tay. Máy ảnh đắt tiền hẳn hoi. Và những ống kính tele bự như của phóng viên. Anh bảo có ống kính còn đắt tiền hơn cả máy. Xe dừng ở đâu anh cũng tìm được cái để chụp. Cầu Hiền Lương, cột cờ Bến Hải, hoa dại, pháo hoa… đều gây cho anh những cảm xúc về sắc màu, ánh sáng. Nhiều bức ảnh của anh được triển lãm, được lưu giữ như những kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ tài hoa”, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho biết.
Làm “nhạc trưởng” khi chưa là nhạc sĩ
Theo nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, thân phụ của nhạc sĩ An Thuyên là cụ Nguyễn Như Tùng. Cụ là một nhà nho xứ Nghệ, thông thạo tiếng Hán từng làm thư ký cho một hãng buôn gỗ ở Quảng Ninh thời thuộc Pháp.
Năm 1945, ông Như Tùng theo cách mạng, về quê làm chủ tịch liên việt xã, rồi những sai lầm của cuộc cải cách điền địa làm ông trắng tay, cả gia đình khốn khổ… Sau cải cách, được trả lại thành phần, cả nhà ông Tùng thành lập một gánh hát. Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên có chia sẻ, bố ông hát hay, đàn giỏi; anh trai ông, Nguyễn Anh Cấp, cũng hát hay, biết chơi đàn, kéo nhị, làm họa sĩ vẽ phông cho các buổi biểu diễn. Thời trẻ, Nguyễn An Cấp thường đóng vai nữ, má phấn, môi son y như con gái thật.
Ngoài mê máy hát cổ, lúc sinh thời nhạc sĩ An Thuyên còn mê chụp ảnh. |
Nhạc sĩ An Thuyên là con thứ sáu trong gia đình có 7 người con. “Đoàn văn công” gia đình An Thuyên thường biểu diễn các vở như Thạch Sanh, Tống Trân-Cúc Hoa, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài… An Thuyên được phân công làm “nhạc trưởng”. Gánh hát gia đình nhạc sĩ An Thuyên thời đó thường đi biểu diễn cho cả làng, cả xã và được hợp tác xã trả công điểm…
Được nuôi dưỡng trong gia đình cả nhà đều làm văn nghệ, đều yêu nghệ thuật, ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ, khi lớn lên, nhạc sĩ An Thuyên lại được tiếp xúc với những văn nghệ sỹ quê nhà. Năm 15 tuổi, chính nhà thơ Trần Hữu Thung là người đã phát hiện ra những năng khiếu nghệ thuật của An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên cũng nhiều lần nhấn mạnh chính khoảng thời gian ông được phân công đi điền dã vốn dân ca ở vùng đất miền Trung đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, nuôi dưỡng những làn điệu dân ca trong ông. Thế nên khi ông sáng tác, những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt, thấm vào từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc mà tự nhiên cất lên thành lời, thành điệu, thành âm thanh…