Người mang duyên nợ
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ra ở Hải Phòng trong một gia đình công chức. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, ông bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành chung. 16 tuổi ông đã làm thơ, viết nhạc và giành được những thành công đầu tiên. Ca khúc “Buồn tàn thu” nổi tiếng với một vẻ đẹp buồn kinh điển ra đời năm ông 16 tuổi.
Nhạc sĩ Văn Thao- con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Cha tôi chịu nỗi thiệt thòi lớn nhất của người sáng tạo là phải dừng lại 30 năm không làm được gì. 30 năm câm lặng, trầm uất, cha tôi buồn đến mức không muốn cho các con theo nghiệp làm nghệ thuật”. Những năm tháng khổ ải vì một quãng lặng trong sự nghiệp đó, nhạc sĩ không được sinh hoạt ở các hội nghệ thuật, không được sáng tác bài hát, không có vật liệu để vẽ tranh. Theo lời các con kể lại, ông làm bìa sách, vẽ minh hoạ báo, làm vỏ hộp diêm để trang trải cho gia đình.
Khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, Tết Bính Thìn năm 1976, ông viết bài “Mùa xuân đầu tiên”, bài hát được nhạc sĩ viết sau một quãng thời gian tuyên bố ngừng viết nhạc. Viết xong ca khúc này, ông tâm sự với con trai Văn Thao: “Bố sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất. Vậy là bố đã làm tròn trách nhiệm sáng tác với nhân dân, với đất nước”.
Vẽ lại một chân dung
Đạo diễn Đinh Anh Dũng- người thực hiện đêm nhạc “20 năm cõi thiên thai” vào tối 11.7 tại TP.HCM (truyền hình trực tiếp trên VTV9) cho biết: “Nhạc sĩ Văn Cao mất vào ngày 10.7.1995, mới đó mà đã 20 năm ông ra đi, nhanh như một ánh chớp nhưng tình cảm mà ông lưu lại cõi thế qua những bản nhạc bất hủ của mình thì không gì có thể làm phai mờ được. Chúng tôi đã xin phép gia đình ông để tổ chức Chương trình Sol Vàng này nhằm tưởng nhớ ông, tôn vinh một trong những tên tuổi lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Tôi tin rằng, các nghệ sĩ tài danh và tâm huyết, bằng tiếng hát của mình, sẽ vẽ nên một bức chân dung Văn Cao đẹp nhất, trung thực nhất”.
Đêm nhạc Văn Cao chủ đề 20 năm cõi thiên thai gồm 2 phần: “Giấc mơ mùa thu” và “Thiên thai”. Trong những sáng tác đầu tiên, nhạc của Văn Cao đậm chất lãng mạn của con người phương Đông với “Buồn tàn thu”, “Suối mơ”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”, “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Ngày mùa”, “Làng tôi”… Nét thơ mộng trong ca từ hòa quyện với giai điệu du dương, bay bổng giúp cho âm nhạc của Văn Cao trở nên sang trọng khó ai bì kịp.
Còn mảng hùng ca, khán giả sẽ được nghe lại những khúc tráng ca tuyệt vời của nhạc sĩ gồm: “Tiến quân ca”, “Trường ca Sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Bắc Sơn”… Những ca khúc này đã trở thành những bài hát đỉnh cao của nhạc kháng chiến.