Nguyễn Hào Anh được biết đến từ năm 14 tuổi (năm 2010), bị vợ chồng chủ trại tôm giống (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) và người giúp việc nhiều lần hành hạ bằng cách ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người...
Sau đó, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ Hào Anh với số tiền trên 800 triệu đồng. Đến năm 18 tuổi được nhận đủ số tiền, Hào Anh mua đất, cất nhà, tiêu xài hết. Ngày 6.7, cơ quan công an xác nhận Nguyễn Hào Anh, 19 tuổi, bị bắt giữ về tội “trộm cắp tài sản” (bộ máy tính để bàn).
Hào Anh khoe giấy tờ đất đai nhờ sự ủng hộ của mạnh thường quân
Không ai dạy Hào Anh cách sử dụng tiền
Trước sự việc trên, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định, sau khi Hào Anh tiêu xài hết số tiền hẳn các nhà hảo tâm thất vọng tràn trề.
“Nhưng với góc nhìn của tôi, Hào Anh tiêu xài hết tiền là điều tất nhiên. Bởi các nhà hảo tâm trao tiền nhưng có ai trao cho cậu ấy cách sử dụng như thế nào đâu”.
Khi các nhà hảo tâm trao một số tiền cho Hào Anh, hẳn họ nghĩ đó là sự giúp đỡ. Tuy nhiên, trao tiền là một chuyện, còn sử dụng tiền như thế nào là một chuyện khác. Hào Anh đã có được số tiền 800 triệu nhưng do không biết sử dụng nên nhanh chóng bị mất đi.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu so sánh chuyện trao tiền cho người không biết sử dụng cũng giống như trao con cá “ăn là hết” chứ không hướng dẫn cách “câu cá” ra sao.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, trong thực tế, không có nhà mạnh thường quân nào có thể cho người khác nền tảng giáo dục tốt hay có thời gian để chỉ cho họ cách sử dụng tiền bạc. Do vậy, các trung tâm bảo trợ xã hội nên tham gia, cử cán bộ chuyên trách để hướng dẫn người nghèo cách sử dụng từ nguồn tiền được cho.
Với các cháu nhỏ như Hào Anh, không có được nền giáo dục tốt thì thay vì giúp đỡ về tiền, có thể chi trả cho cơ sở giáo dục để nơi đó nuôi và dạy học cho em. Cũng có thể trao nhà ở, quần áo để mặc, tài khoản ngân hàng để lấy lãi hàng tháng, trao học bổng nghề... “đó là cách giúp bền hơn, hiệu quả hơn so với cho tiền mặt”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho hay.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội bày tỏ, lẽ ra nên giúp Hào Anh phát triển nhân cách thành người và tạo nghề trước, chứ không phải cho tiền mặt.
Qua sự việc, ông gợi ý, các tổ chức nhân đạo khi nhận được tiền tài trợ của mạnh thường quân cho các hoàn cảnh khó khăn thì không chỉ có động tác chuyển tiền. Cùng với đó, hãy giúp đỡ người nghèo cách sử dụng tiền.
“Nếu không làm như vậy, tiền vào tay người không biết sử dụng sẽ nhanh chóng hết đi và đưa họ quay trở lại cuộc sống cũ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Ông cũng cho rằng, ngay từ nhỏ, các em học sinh nên được giáo dục cách sử dụng, quản lý đồng tiền. Hiện tại, trong chương trình học phổ thông có đề cập cách sử dụng tiền qua bài học môn đạo đức. Nhưng chưa thành môn học có tính hệ thống, phù hợp lứa tuổi.
Để tiêu tiền cần phải có văn hóa
Theo nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa, thông thường người bỗng dưng “tiền rơi vào đầu” không có thói quen, kỹ năng sử dụng đồng tiền. Do vậy, tiền đến nhanh, đi nhanh. Nguy hiểm hơn là thói quen tiêu xài hình thành, lúc hết không chịu được nên đi ăn cắp, ăn trộm.
Trong thực tế có nhiều người nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mà thay đổi số phận. Nhưng cũng có trường hợp cá biệt, sự giúp đỡ không có tác dụng như vụ Hào Anh.
Bài học từ vụ Hào Anh cho thấy, đối với trẻ, phải có người bảo trợ đứng ra quản lý tiền để trẻ chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm khi cho tiền cũng có chế kiểm soát tiền được sử dụng hiệu quả như thế nào.
Ông Trịnh Trung Hòa chia sẻ, con người ta có thể bỏ nhiều công sức tìm hiểu cách kiếm tiền, nhưng ít ai học cách quản lý tiền. Ông nhớ, trong xã hội có câu nói đại ý rằng, có thể không có văn hóa vẫn kiếm được tiền, nhưng để tiêu tiền phải có văn hóa.
Do vậy, ngay cả trẻ em phải được giáo dục cách sử dụng tiền, hiểu giá trị của đồng tiền. Từ đó có cách sử dụng, quản lý đồng tiền hiệu quả, làm giàu cho bản thân, xã hội.